19:35 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Giá thịt lợn và điện sinh hoạt đẩy CPI tăng 0,05% trong tháng 5

Tú Anh (T/h) | 20:33 29/05/2024

(THPL) - Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn tăng do thiếu hụt nguồn cung, chi phí tiền điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,05% so với tháng trước.

Ngày 29/5, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,05% so với tháng 4 và tăng 1,24% so với tháng 12/2023. Như vậy, CPI tháng này đã tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước và bình quân 5 tháng đầu năm CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ. Lạm phát cơ bản đã tăng 2,78%.

Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, giá thịt lợn “đắt đỏ” do thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023. Thêm vào đó, giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chính làm CPI trong tháng cao lên.

Cụ thể, CPI tại khu vực thành thị tăng 0,04%, khu vực nông thôn tăng 0,05% so với tháng 4. Có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng; 3 nhóm hàng giảm giá và 1 nhóm hàng ổn định giá.

So với tháng trước, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,38%. Trong đó, chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,59%, nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,14% và nhóm lương thực giảm 0,26%.

Trong nhóm thực phẩm, bà Oanh cho biết giá nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 2,19% so với tháng trước (như giá cà chua tăng 14,2%; rau bắp cải tăng 6,73%; su hào tăng 4,17%…), do thời tiết nắng nóng gay gắt ảnh hưởng đến nguồn cung rau củ tại nhiều địa phương. Bên cạnh đó, thịt lợn lên giá 1,94% vì nguồn cung thiếu hụt. Trên thị trường (ngày 24/5), giá thịt lợn hơi dao động từ 64.000-68.000 đồng/kg, tăng 3.000-5.000 đồng/kg so với tháng 4.

Giá điện sinh hoạt góp phần đẩy CPI tăng 0,05% trong tháng 5. Ảnh minh hoạ

Về lương thực, bà Oanh chia sẻ chỉ số giá nhóm gạo giảm 0,32% điều chỉnh theo giá gạo xuất khẩu. Hơn nữa, các địa phương đang thu hoạch vụ đông xuân nên nguồn cung gạo trên thị trường khá dồi dào.

Ở nhóm chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng 0,38%. Theo bà Oanh, nguyên nhân chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng 2,11% với diễn biến nắng nóng kéo dài, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện của người dân đi lên. Cùng với đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,28% do giá cát, thép neo theo nhu cầu xây dựng tăng và giá thuê nhà tăng 0,23% do nhu cầu cao. 

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,31%, nguyên nhân do giá dịch vụ du lịch trọn gói; nhà khách, khách sạn tăng chủ yếu rơi vào kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài nên nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14% chủ yếu do thời tiết nắng nóng, oi bức nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng. Trong khi đó, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%, tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ dùng cá nhân tăng lên.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng điện lạnh do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng tăng. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% với nguyên nhân chủ yếu do thời tiết nắng nóng, số ca nhiễm bệnh sởi, thủy đậu, tay chân miệng tăng nhanh nên người dân có nhu cầu mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch.

Trong khi đó, nhóm giao thông, giáo dục, bưu chính viễn thông giảm giá. Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 5 giảm mạnh nhất 1,73% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng trong nước giảm 4,72%, giá dầu diezen giảm 5,08% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng.

Tú Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu