06:02 ngày 20/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Gia Lai: Thâm nhập “đại công trường” khai thác gỗ quy mô lớn trong rừng cộng đồng (Kỳ 1)

12:57 27/12/2019

(THPL) - Hàng trăm cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ ngổn ngang, hàng trăm phách gỗ được xẻ theo quy cách được vận chuyển công khai ra khỏi rừng đầy bất minh nhưng chủ rừng lẫn cơ quan chức năng đều “nhắm mắt” để gỗ lậu “chạy” ra khỏi rừng.

Đại ngàn “kêu cứu” trong vô vọng

Một cây gỗ đại cổ thụ bị xẻ thịt hết sức tinh vi (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng tuyên bố “đóng cửa” rừng tại Tây Nguyên. Thủ tướng nhấn mạnh, địa phương nào để xảy ra phá rừng thì địa phương đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chính phủ.

Nhiều vụ phá rừng tại Tây Nguyên được phanh phui cùng với đó là rất nhiều cán bộ vướng vòng lao lý  vì tiếp tay, bảo kê hoặc buông lỏng quản lý để các đối tượng “lâm tặc” ngang nhiên “rút ruột” đại ngàn.

Từ những thông tin tố cáo của một người (chúng tôi xin được giấu tên-PV), chúng tôi phải lặn lội gần 80km từ trung tâm Thành phố Pleiku xuôi về làng Đê Tar, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) để phanh phui một vụ phá rừng mà theo người tố cáo là rất quy mô.

Từ trung tâm làng Đê Tar, chúng tôi phải đi bộ khoảng 5km nữa mới lên được điểm phá rừng. Sau vài giờ đi bộ, chúng tôi bắt đầu tiếp cận hiện trường khai thác gỗ. Chỉ nhìn vào hiện trường thì lời tố cáo của người đàn ông kia hoàn toàn đúng sự thật.

Vụ phá rừng quy mô lớn được phóng viên Thương hiệu và Pháp luật phát hiện (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Trước mắt chúng tôi, rất nhiều cây gỗ cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm đã bị cánh “lâm tặc” thảm sát nằm ngổn ngang giữa đại ngàn. Nhiều phách gỗ được xẻ theo quy cách còn nằm la liệt tại hiện trường.

Tại hiện trường, rất nhiều cây gỗ đã bị những đối tượng “lâm tặc” cưa hạ bằng máy cưa xăng, vết cắt 2 bên rất “ngọt”. Ngay bên dưới gốc cây là những tấm bìa gỗ còn thơm phức, mùn cưa còn rất mới. Rất nhiều phách gỗ sau khi được cưa xẻ đã bị vận chuyển ra khỏi rừng.

Càng đi sâu vào rừng, mức độ tàn phá rừng càng diễn ra quy mô và rậm rộ hơn rất nhiều. Có nhiều cây gỗ có đường kính gần 1m còn bị “lâm tặc” ra tay hết sức tinh vi. Các đối tượng đã dùng máy cưa xăng cắt 2/3 thân cây và đến một thời điểm nhất định cây sẽ tự ngã đổ và cứ thế hàng chục, hàng trăm mét khối gỗ cứ thản nhiên đi ra khỏi rừng.

Một cây gỗ cổ thụ bị triệt hạ và đã bị lâm tặc vận chuyển đi (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Mặt trời chuẩn bị đi xuống chân núi, cũng là lúc ô tô chở gỗ lậu thừng thững đi ra khỏi rừng bên cạnh đoàn người gồm 6-7 người “hộ tống”. Chiếc xe độ chế ì ạch chở rất nhiều phách gỗ dài khoảng 4m cứ hiên ngang băng rừng, vượt suối mà không hề gặp một bất trắc gì từ chính quyền địa phương lẫn cơ quan chức năng. Phải chăng, “luật ngầm” đã được ấn định sẵn?

Một “ban bệ” khoanh tay để rừng… “chảy máu”

Những phách gỗ lớn được để lại tại hiện trường (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).

Phải nói rằng, một loạt “ban bệ” gồm, huyện Mang Yang, Hạt kiểm lâm, Công an huyện, UBND xã Kon Chiêng, kiểm lâm địa bàn, chủ rừng… có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng nhưng rồi họ có thể là vô tình hoặc thậm chí là cố tình “làm ngơ” để rừng cứ ngày, đêm “chảy máu”.

Nhìn vào hiện trường vụ phá rừng thì hết sức đau xót và vụ việc chỉ được phanh phui ra ánh sáng khi có mặt của phóng viên Thương hiệu và Pháp luật điện tử. Vì sao một loạt các ban ngành được trang bị đầy đủ các công cụ, tài chính, con người và có thừa quyền hành để “xóa sổ” những đối tượng đang hoặc sắp “manh nha” đại ngàn.

Nhưng rồi, họ vẫn đứng im khoanh tay nhận một khoản tiền lớn từ dịch vụ môi trường rừng với nhiệm vụ tiên quyết là “bảo vệ rừng”, bảo vệ “lá phổi xanh”. Buồn thay, những điều đó họ chỉ thực hiện trên giấy, họ chỉ hô hào để che mắt thiên hạ, che mắt người dân. Tiền thì vẫn nhận và... rừng thì vẫn bị “rút ruột” công khai.

Sau khi có đầy đủ bằng chứng về cuộc tàn sát đại ngàn tàn khốc và quy mô lớn, phóng viên Thương hiệu và Pháp luật đã liên lạc với ông Nguyễn Long Sơn- Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mang Yang. Tuy nhiên vị lãnh đạo này lại trả lời ”đang bận” và không làm việc. Khi phóng viên phản ánh về việc phát hiện vụ phá rừng quy mô lớn thì ông này lại trả lời rất thiếu trung thực rằng “anh em đã phát hiện được 2-3 tuần trước và giờ đang làm việc”.

Vụ việc được Hạt kiểm lâm huyện Mang Yang phát hiện 2-3 tuần, vậy tại sao không lập biên bản, không đo đếm số lượng gỗ thiệt hại và không báo cáo với cấp trên. Phải chăng, ông đang “tiếp tay”, làm ngơ cho “lâm tặc” ngang nhiên phá rừng?

Thương hiệu và Pháp luật điện tử sẽ tiếp tục phanh phui sự thật trong phóng sự điều tra tiếp theo: “Đại công trường” khủng khiếp bên trong đại ngàn.

Những hình ảnh đau xót bên trong đại ngàn mà Phóng viên Thương hiệu và Pháp luật điện tử ghi nhận:

"Máu rừng" cứ chảy triền miên (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).
Hiện trường khai thác gỗ (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).
Những cây đại cổ thụ bị "thảm sát" ngổn ngang (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).
Những cây đại cổ thụ bị lâm tặc chặt hạ (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).
Hiện trường khai thác gỗ quy mô lớn rất còn mới (Ảnh: Hàn Hưng/THPL).
Nhiều phách gỗ lớn chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng (Hàn Hưng/THPL).

Hàn Hưng

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu