15:00 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đạt mức cao, thu về gần 3 tỷ USD

14:19 26/10/2022

(THPL) - Theo tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, gạo 5% tấm của Việt Nam ổn định với giá 425-430 USD/tấn, đây là mức cao nhất kể từ tháng 11/2021.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong tháng 10, giá gạo xuất khẩu Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng do đồng Baht yếu và nhu cầu giảm. Hiện, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan giảm 28 USD/tấn, từ 435 USD/tấn xuống còn 407 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7. Các thương nhân cho rằng, giá gạo Thái giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu, trong bối cảnh không có sự gián đoạn nguồn cung do lũ lụt.

Theo báo VOV, tại Ấn Độ, mưa lớn diễn ra nhiều ngày gây thiệt hại đến các ruộng lúa ngay trước kỳ thu hoạch ở các bang trồng lúa chính như Uttar Pradesh, Tây Bengal và Andhra Pradesh. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng gạo, cùng với nhu cầu sụt giảm khiến giá gạo đồ 5% tấm trong tháng 10 giảm xuống mức 374-382 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 5% tấm của Việt Nam ổn định với giá 425-430 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 11/2021. Với mức giá này, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn giá gạo cùng loại của Ấn Độ 48-51 USD/tấn và Thái Lan 18-27 USD/tấn. Đáng nói, các thương nhân trong ngành dự đoán, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong ngắn hạn.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đạt mức cao, thu về gần 3 tỷ USD. Ảnh minh hoạ

Theo số liệu thống kê, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10/2022 ước đạt 700.000 tấn, giá trị đạt 334 triệu USD. Ước tính đến hết tháng 10, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2022 đạt lần lượt 6,07 triệu tấn và 2,94 tỷ USD, tăng 17,2% về khối lượng và tăng 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2022 ước đạt 484 USD/tấn.

Báo VietNamNet thông tin thêm, trước đó trong 9 tháng đầu năm 2022, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 43,9% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 2,47 triệu tấn và 1,14 tỷ USD, tăng 35,3% về khối lượng và tăng 22,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Viện Chính sách và chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, ngành gạo Việt trong những năm gần đây đang có sự chuyển dịch từ gạo ở phân khúc thấp sang gạo chất lượng cao. Nhờ đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Đơn cử, xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ 8 tháng năm nay tăng 84,8%, sang thị trường EU tăng 82,2%. Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường khác cũng ghi nhận tăng mạnh ở mức hai con số, trừ Trung Quốc đang có xu hướng giảm nhập mặt hàng gạo từ Việt Nam.

Ông Nguyễn Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An thông tin, thị trường châu Âu rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam. Doanh nghiệp của ông nhận được nhiều đơn hàng lớn, nhưng khả năng cung ứng không đủ nên đành từ chối bớt. “Giá gạo xuất sang thị trường châu Âu rất cao, từ 700-1.250 USD/tấn. Mỗi tháng chúng tôi xuất khẩu khoảng 30 container gạo sang thị trường này”, ông chia sẻ.

Gạo Việt Nam mới đây cũng ghi dấu ấn bởi lần đầu tiên món cơm chiên sử dụng gạo ST25 đến từ Việt Nam trở thành "bữa trưa đặc biệt" tại Văn phòng Nội các Nhật Bản. Trong khi ở trời Âu, thương hiệu “Cơm Việt Nam” được bày bán trên kệ 4.000 siêu thị ở Pháp. Với nhiều tín hiệu tích cực, chuyên gia trong ngành dự báo, xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm nay có thể đạt 6,3- 6,5 triệu tấn, cao hơn 100-200 nghìn tấn so với năm 2021.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu