01:15 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Giá cà phê ổn định, kim ngạch xuất khẩu có thể cán mốc 4 tỷ USD trong năm 2023

21:54 27/04/2023

(THPL) - Hiện tại, giá cà phê trong nước và quốc tế đang ở mức cao so với nhiều năm trở lại đây, tạo cơ hội để Việt Nam có thể duy trì mức kim ngạch xuất khẩu cà phê trên 4 tỷ USD, kỷ lục được thiết lập vào năm 2022.

Ngay từ đầu năm 2023, thị trường cà phê liên tục xuất hiện những thông tin cho thấy nguồn cung có xu hướng thu hẹp tại các quốc gia sản xuất chính. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tính từ đầu năm 2023 đến ngày 15/4/2023 ở mức 634.032 tấn, thấp hơn so với mức 662.816 tấn của cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê từ giacaphe.com, hiện tại cà phê toàn cầu ở mức cao đã góp phần đẩy giá cà phê Việt Nam tăng lên mức 52.000 VNĐ/kg, mức cao lịch sử. Bên cạnh đó, sản lượng cà phê tại Indonesia, quốc gia sản xuất Robusta lớn thứ 3 thế giới, dự báo ở mức 9 triệu tấn, thấp nhất trong 10 năm. Sản lượng Robusta tại Brazil ở mức 17,51 triệu bao, giảm gần 4% so với niên vụ 2022 - 2023. 

Những thông tin trên cho thấy, nguồn cung không chỉ thiếu hụt trong ngắn hạn mà còn thu hẹp trong trung và dài hạn, từ đó kéo giá cà phê tăng mạnh.

Liên quan đến giá cà phê tăng cao, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định: “Sau khi xuất khẩu kỷ lục vào năm 2022, tồn kho cà phê Việt Nam dần thu hẹp. Cùng với sản lượng cà phê năm 2022 ước tính giảm mạnh 10-15% so với dự báo ban đầu do mưa lớn xảy ra đúng giai đoạn thu hoạch, đã khiến nguồn cung thắt chặt và chu kỳ tăng giá là điều tất yếu.”

Giá cà phê ổn định, xuất khẩu hướng đến mốc 4 tỷ USD trong năm 2023. Ảnh: Internet

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá cà phê Robusta giao dịch trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE EU) tính đến ngày 24/4/2023 đạt mức 2.564 USD/tấn, cao nhất kể từ cuối tháng 5/2011 và đã tăng gần 40% kể từ hồi đầu năm 2023 khi giao dịch tại mức 1.869 USD/tấn.

Hiện tại, giá cà phê trong nước và quốc tế đang ở mức cao so với nhiều năm trở lại đây, tạo cơ hội để Việt Nam có thể duy trì mức kim ngạch xuất khẩu cà phê trên 4 tỷ USD, kỷ lục được thiết lập vào năm 2022.

Tại nước ta, bên cạnh hỗ trợ từ nguồn cung khan hiếm, ưu thế giá thành rẻ hơn so với cà phê Arabica mở ra lợi thế cạnh tranh cho cà phê Robusta trong bối cảnh gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế trên thế giới. Đây cũng là nhân tố quan trọng tạo tiền đề đẩy mạnh xuất khẩu cà phê tại Việt Nam.

Theo một số chuyên gia, trong ngắn hạn, việc gia tăng xuất khẩu cà phê khi giá đang ở mức cao là giải pháp tối ưu giúp Việt Nam tiếp tục có được kim ngạch trên 4 tỷ USD. Tuy nhiên, về lâu dài, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần hướng tới các biện pháp mang tính bền vững hơn. 

Nguồn cung cà phê tại Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch sầu riêng và chanh leo của Việt Nam. Số đơn đặt hàng lớn trong khi nguồn cung đủ điều kiện xuất khẩu còn thấp đã đẩy giá mặt hàng này tăng đột biến. Nông dân tại các tỉnh Tây Nguyên nhanh chóng đẩy mạnh diện tích canh tác sầu riêng, thậm chí là phá bỏ vườn cà phê để chuyển sang loại cây trồng đang phát triển “nóng”.

Tình trạng xuất khẩu thô với giá trị gia tăng thấp vẫn luôn là bài toán Việt Nam cần giải quyết vì sự phát triển lâu dài của ngành cà phê. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp sản xuất cà phê cần đầu tư cho khâu sản xuất, nhằm hướng tới xuất khẩu cà phê đã qua chế biến với giá trị cao, đồng thời chuyển dịch phương thức chế biến, rang xay phù hợp hơn với thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, định hướng phát triển cà phê đặc sản với mục tiêu xây dựng thương hiệu, từ đó khẳng định vị thế ngành cà phê Việt Nam đang nhận được sự quan tâm, thúc đẩy từ phía Nhà nước. 

Lưu Kỳ (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu