17:28 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

GDP có thể vượt mức 6,8%

Tuấn Anh (tổng hợp) | 13:51 01/10/2019

(THPL) - Sau mức tăng trưởng bứt phá lên tới 7,31% trong quý 3, kinh tế năm 2019 có triển vọng đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng 6,8% mà Quốc hội đề ra.

Theo Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng đầu năm ước tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây. Cụ thể, tăng trưởng GDP 9 tháng của các năm từ 2011 - 2019 tương ứng 6,03%; 5,10%; 5,14%; 5,53%; 6,53%; 5,99%; 6,41%; 6,96%; và 6,98%.

Theo báo Công thương, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường, căng thẳng địa chính trị leo thang…, mức tăng trưởng 6,98% khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2019.

GDP có thể vượt mức 6,8%. (Ảnh minh họa)

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02% (cùng kỳ năm 2018 tăng 3,7%), đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,37%) và các ngành dịch vụ thị trường. Điều đáng mừng là ngành khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 2,68% sau nhiều năm liên tiếp giảm, nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô.

Theo báo Chính Phủ, nhìn ra khu vực, tình hình xuất khẩu của các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan đều tăng trưởng âm trong 8 tháng đầu năm. Trung Quốc và Ấn Độ tăng trưởng dương lần lượt là 0,4% và 1,04% nhưng đều thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (lần lượt là 12% và 11,5%). Trong quý II/2019, GDP của nhiều nước cũng tăng chậm lại đáng kể, trong đó có cả Hoa Kỳ, Đức, Trung Quốc, Thái Lan... thì mới thấy nội lực Việt Nam đã được cải thiện đáng kể để vượt qua các thách thức trên thị trường thế giới.

Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 so với dự báo đưa ra hồi nửa đầu năm. Các ngân hàng trung ương trên thế giới có xu hướng chuyển sang nới lỏng chính sách tiền tệ với 95 lượt hạ lãi suất.

Trong khi đó, các chuyên gia đánh giá các chỉ số trong 8 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam phù hợp với mục tiêu đặt ra và hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% cho cả năm.

Để cả năm tốc độ tăng GDP đạt 6,8% như mục tiêu đề ra, theo ông Nguyễn Bích Lâm, GDP quý IV phải tăng 6,45%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,98%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,38%; khu vực dịch vụ tăng 7,03%. Tuy nhiên, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên ngành chăn nuôi 9 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng âm 0,61%, trong khi đó kịch bản xây dựng ban đầu của ngành này là tăng trưởng 4,31%.

“Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019, các ngành công nghiệp và dịch vụ thị trường phải tăng tốc để bù đắp vào phần thiếu hụt của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.” - ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Tuấn Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu