12:52 ngày 05/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

EVN tiếp tục đề xuất được tăng giá điện bán lẻ

09:02 29/07/2023

(THPL) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cho phép tập đoàn tiếp tục được điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.

Tại hội thảo “Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn 2050”,  EVN cho biết, nếu thanh toán tiền điện theo đúng hợp đồng thì theo tính toán dự kiến bắt đầu từ tháng 7/2023 đến tháng 12/2023, EVN sẽ thiếu hụt dòng tiền. Hiện, EVN đang nợ tiền của các đơn vị phát điện. Thời gian tới, EVN có khả năng không cân đối đủ tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện.

Bên cạnh đó, giai đoạn 2020 - 2022, EVN đã cắt giảm chi phí sửa chữa lớn theo định mức từ 10 - 50% do không cân đối được nguồn vốn. Năm 2023, do không cân đối được tài chính, EVN tiếp tục cắt giảm, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện. EVN cũng cho biết gặp khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện nhằm đảm bảo vận hành an toàn, cung ứng điện cho các năm tiếp theo.

Trước những khó khăn trên, và để đảm bảo cân đối tài chính của EVN cũng như đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn tới, EVN đề nghị Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương có giải pháp tháo gỡ khó khăn tài chính cho EVN.

Cụ thể, EVN kiến nghị điều chỉnh giá bán lẻ điện đầy đủ và kịp thời theo biến động các thông số đầu vào. Về điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, EVN kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cho phép EVN tiếp tục được sớm điều chỉnh giá bán lẻ điện trong thời gian tới để đảm bảo cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.

Mới đây, tại hội thảo “Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn 2050”, EVN tiếp tục đề xuất được tăng giá điện bán lẻ. Ảnh minh hoạ

Để có cơ sở xem xét việc điều chỉnh giá điện các lần tiếp theo trong năm 2023, giá điện tăng không giật cục và có lộ trình, EVN kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

EVN cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho EVN vay không lãi suất để thanh toán tiền điện cho các đơn vị phát điện, đàm bảo kịp thời mua nguyên liệu phục vụ phát điện; Chính phủ và các bộ, ngành cho phép EVN tạm thanh toán tiền mua điện ở mức phù hợp khả năng tài chính của EVN cho các đơn vị phát điện đến khi giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp thời và phản ánh đầy đủ các chi phí.

Ngoài ra, EVN mong muốn Chính phủ và các bộ chấp thuận khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 và 2023 của EVN là “do thực hiện chính sách”.

Liên quan đến giá điện, từ ngày 4/5, giá điện bán lẻ bình quân đã tăng 3%, lên 1.920 đồng/kWh. Tuy nhiên, theo EVN, mức tăng này vẫn là quá thấp so với mức tăng 9,27% của giá thành sản xuất điện năm 2022.

Và mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất EVN sẽ được phép tăng, giảm giá điện trong biên độ từ 1% đến dưới 5% mỗi quý một lần.

Cụ thể, trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, EVN sẽ tính toán giá bán lẻ điện bình quân để xây dựng phương án điều chỉnh tăng, giảm. Nếu giá thành điện giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN sẽ phải điều chỉnh giảm theo. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Đối với việc tăng giá điện, thẩm quyền điều chỉnh cơ bản được giữ nguyên như quy định hiện hành. Cụ thể, mức tăng từ 3% đến dưới 5% sẽ do EVN được điều chỉnh tăng tương ứng, sau khi báo cáo các bộ ngành liên quan. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Với mức tăng trên 10%, các bộ ngành, đơn vị liên quan sẽ phải báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.

Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán. Nếu vi phạm trong điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá.

Lưu Kỳ (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu