13:55 ngày 23/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Dự kiến sẽ khắc phục xong sự cố cáp quang APG vào đầu tháng 4

15:25 07/02/2023

(THPL) - Theo dự kiến, tuyến cáp quang biển APG, AAG, IA sẽ được sửa chữa vào giữa tháng 3, đầu tháng 4 nên phải đến cuối tháng 3, trung tuần tháng 4, chất lượng Internet Việt Nam đi quốc tế mới tốt hơn.

Sáng ngày 7/2, đại diện các nhà mạng trong nước cho biết hệ thống NOC (Ban quản trị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế) đã thông báo kế hoạch sửa chữa 3 cáp quang biển APG (Asia Pacific Gateway), AAG (Asia, America Gateway) và IA (Intra Asia, còn gọi là Liên Á) vào giữa tháng 3 và đầu tháng 4.

Cụ thể, với tuyến APG, lỗi trên nhánh S6 dự kiến sẽ được sửa chữa nhánh từ ngày 22-27/3. Còn lỗi trên nhánh S9 từ ngày 5-9/4. Sự cố trên tuyến AAG dự kiến được sửa chữa từ ngày 30/3 đến 4/4. Tuyến cáp IA đang trong quá trình xin cấp phép và đăng ký tàu sửa chữa. Thời gian dự kiến sửa chữa là giữa tháng 3.

Dự kiến sẽ khắc phục xong sự cố cáp quang APG vào đầu tháng 4. Ảnh minh hoạ

Được đưa vào khai thác từ giữa tháng 12/2016, APG là tuyến cáp biển quan trọng, dung lượng lớn. Tuyến cáp có các điểm kết nối ở Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. APG có chiều dài khoảng 10.400 km, được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương với băng thông tối đa 54 Tbps. Tính từ đầu năm 2022, tuyến APG đã 5 lần gặp sự cố, lần lượt vào các tháng 4, 7, 9, 12/2022 và tháng 1/2023.

Tuyến IA có chiều dài 6.800 km, dung lượng 3,84 Tb/s và vận hành từ tháng 11/2009, kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hong Kong và Nhật Bản. Đây là tuyến cáp quan trọng trong việc trung chuyển lưu lượng đến châu Mỹ và châu Âu cho các khách hàng tại Việt Nam và khu vực.

Trước đó, đúng ngày 21/1 (đúng 30 Tết) tuyến cáp quang biển quốc tế AAG gặp sự cố trên nhánh S9 hướng kết nối đi Singapore. Sự cố đã làm mất toàn bộ dung lượng Internet trên tuyến cáp APG hướng kết nối Việt Nam đi Singapore và Nhật. Khi tuyến cáp APG bị lỗi, các nhà mạng tại Việt Nam đã phải bù khoảng 50-60% dung lượng kết nối đi quốc tế lên các tuyến cáp khác. Cụ thể, lưu lượng được phân bổ qua hệ thống cáp đất liền phía Bắc rồi tới Hong Kong (Trung Quốc), qua đất liền phía Tây Nam rồi tới Singapore. Đây cũng là các điểm trung chuyển lưu lượng Internet lớn của châu Á-Thái Bình Dương.

Ngày 26/12/2022, tuyến cáp APG gặp sự cố trên phân đoạn S6 gần Hong Kong (Trung Quốc). Cuối tháng 11/2022, tuyến cáp AAE-1 cũng gặp sự cố đồng tời trên 2 nhánh là S1H.1 hướng Hong Kong (Trung Quốc) và S1H.3 hướng đi Singapore. Đến ngày 14/1/2023 nhánh cáp đi Singapore được sửa xong nhưng sự cố trên nhánh cáp kết nối đến Hong Kong (Trung Quốc) vẫn chưa được khắc phục.

Hiện tại, 4/5 tuyến cáp quang biển kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế đều đang gặp sự cố. Tuyến cáp quang biển duy nhất đang hoạt động bình thường là SMW-3. Tuy nhiên, SMW-3 là tuyến cáp cũ, dung lượng khả dụng thấp và không đóng góp nhiều cho đường truyền Internet đi quốc tế của Việt Nam.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu