17:35 ngày 09/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Dự báo xuất khẩu cá tra chỉ đạt 2 tỷ USD trong năm 2023

19:14 07/08/2023

(THPL) - Theo dự báo của một số chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm nay vẫn sẽ giảm 15% và chỉ mang về khoảng 2 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu cá tra chỉ đạt 873 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022. Giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường vẫn đi ngang hoặc có chiều hướng giảm. Cụ thể, trong tháng 6/2023, giá trung bình sang thị trường Hoa Kỳ chỉ đạt 3,5 USD/kg, giảm 21% so với cùng kỳ và giảm 4% so với tháng 5-2023. Tương tự, tại thị trường Trung Quốc giá trung bình cũng chỉ đạt 2,2 USD/kg, giảm 13% so với cùng kỳ và giảm 5% so với tháng 5.

Cơ cấu sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào nhóm hàng: Cá tra tươi, đông lạnh, khô chiếm 11 - 14%; Cá tra phi lê đông lạnh chiếm 85 - 86%; Cá tra chế biến ở mức 1 - 3%. Hiện, đơn đặt hàng còn chậm tại những thị trường xuất khẩu trọng điểm của cá tra Việt Nam là Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Liên quan đến xuất khẩu cá tra, ông Lê Bá Anh - Cục phó Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, số lô hàng cá tra xuất khẩu bị cảnh báo trong 7 tháng đầu năm đã giảm 89% so với cùng kỳ, chỉ có 7 lô hàng bị cảnh báo (ở Brazil và Nga) về chỉ tiêu chất lượng (nhiệt độ bảo quản, nhãn), vi sinh (TPC, Coliform).

Mặc dù đã giảm mạnh số lô hàng cá tra xuất khẩu bị cảnh báo, tuy nhiên, theo ông Lê Bá Anh, vẫn còn những tồn tại hạn chế trong công đoạn nuôi cần phải khắc phục như: công tác quản lý điều kiện nuôi trồng và điều kiện đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi, cơ sở sản xuất giống còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, ở công đoạn chế biến một số cơ sở duy trì điều kiện vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị chưa tốt. Tình trạng lạm dụng phụ gia, mạ băng dẫn đến giảm uy tín sản phẩm tại một số thị trường nhập khẩu (Brazil, EU).

Dự báo xuất khẩu cá tra chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD trong năm 2023. Ảnh minh hoạ

Trong diễn biến liên quan, theo Hải quan Hoa Kỳ, từ tháng 4 - 5/2023, lượng xuất khẩu cá tra vào quốc gia này đã có sự cải thiện, đạt 7,1 - 7,7 triệu USD, xu hướng thị trường đã có phần cải thiện so với các tháng trước. Dự kiến tháng 8 này, Đoàn thanh tra của Cơ quan kiểm dịch và An toàn thực phẩm Hoa Kỳ - FSIS (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) sẽ đến một số địa phương, doanh nghiệp đang thực hiện xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ để đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước thông tin này, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, đây là điều kiện, thời cơ để các doanh nghiệp cá tra xây dựng vùng nuôi và quy trình sản xuất tốt hơn, phát huy lợi thế “độc tôn” của cá tra Việt Nam. Do dó, ông Trần Thanh Nam đề nghị các doanh nghiệp và địa phương cần có sự chuẩn bị tốt. Thực hiện rà soát lại công tác đảm bảo an toàn thực phẩm thời gian qua, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của đoàn thanh tra. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra nghiêm túc theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

Cũng liên quan đến xuất khẩu cá tra, bà Tô Tường Lan – Phó Tổng thư ký Hiệp Hội Chế Biến và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam cho biết dự báo cuối năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ hồi phục tại các thị trường do lạm phát tại Mỹ đang dần hạ nhiệt, tạo điều kiện kích thích người tiêu dùng; thời điểm cuối quý II, đầu quý III là kỳ tích trữ kho của các nhà bán lẻ tại Mỹ để phục vụ cho mùa cao điểm lễ hội cuối năm.

Bên cạnh đó, số lượng cá tra tồn kho ở nhiều nước đang giảm dần. Giá thức ăn cho cá tra đang giảm dần cũng tạo điều kiện, giúp nông dân đẩy mạnh thả nuôi vào các tháng cuối năm. Và theo dự báo của Hiệp Hội Chế Biến và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam thì kim ngạch cá tra năm 2023 sẽ giảm 15% so với năm 2022, đạt 2,0 tỷ USD.

Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá nói chung, các doanh nghiệp được khuyến cáo cần tận dụng thời cơ để tái cơ cấu, đáp ứng kịp thời các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu, như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), hàng hóa không liên quan đến hoạt động phá rừng của Mỹ, EU... Bên cạnh việc tận dụng cơ hội phục hồi từ các thị trường đối tác lớn, truyền thống, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN... cũng cần tăng cường khai thác các thị trường mới, giàu tiềm năng như Bắc Âu, Đông Âu, Tây Á, Nam Á, Australia, châu Phi và Mỹ La - tinh...

Phương Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu