22:29 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Dự án Thăng Long Victory: Rủi ro cho khách hàng?

| 14:05 02/11/2018

(THPL) – Phúc Hà Group đã thế chấp dự án Thăng Long Victory cho ngân hàng SHB để có tiền đầu tư, xây dựng dự án. Tuy nhiên, việc làm này đang gây ra sự hoài nghi về những rủi ro khi mua nhà của dự án.

Những năm gần đây, thị trường bất động sản Hà Nội có sự xuất hiện của một doanh nghiệp đến từ tỉnh Vĩnh Phúc, đó là Công ty CP Đầu tư Kinh doanh & Phát triển hạ tầng KCN Phúc Hà (thường gọi là Phúc Hà Group). Đơn vị này được người dân tỉnh Vĩnh Phúc biết đến là một doanh nghiệp đã thực hiện một số Khu công nghiệp ở địa bàn Thị xã Phúc Yên (nay là TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Trong đó cũng có dự án đã không hoàn thành.

Tuy nhiên, với định hướng phát triển đa nghành đa nghề... Phúc Hà Group đã nhanh chóng có mặt trên thị trường bất động sản Hà Nội. Dù sinh sau đẻ muộn nhưng doanh nghiệp này đã có sự chuyển mình mạnh mẽ và rất rõ nét về lĩnh vực này.

Cụ thể, Phúc Hà Group đã liên danh với Công ty CP Đầu tư tư vấn và xây dựng Việt Nam (gọi tắt là VinaConi) để thực hiện dự án Khu tổ hợp Chung cư cao tầng Nam Xa La với diện tích 7.395m2. Toạ lạc tại khu đô thị mới Xa La phường Phúc La - quận Hà Đông, TP Hà Nội. Hiện nay, dự án này đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động.

IMG_3868
Dự án Thăng Long Victory do Phúc Hà Group làm chủ đầu tư.

Sau sự thành công đó, Phúc Hà Group bắt tay vào thực hiện thương vụ mua bán, chuyển nhượng một phần dự án khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) từ Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị & Khu công nghiệp Sông Đà (SUDICO) để làm ăn. Tức là Phúc Hà Group là nhà đầu tư thứ cấp của một phần dự án. Thương vụ này nhà đầu tư thứ cấp phải trả cho SUDICO số tiền tạm tính là 197.990.800.000 VNĐ.

Được biết, lô đất HH1 nói trên là Tổ hợp chung cư và dịch vụ tổng hợp Thăng Long Victory (dự án Thăng Long Victory) có diện tích 31.934m2, thuộc thu đô thị mới Nam An Khánh. Dự án gồm công trình nhà ở cao tầng T1, T2 (đã hoàn thiện) và tòa nhà Thăng Long Capital (đang xây dựng, mở bán).

Việc đầu tư vào dự án Thăng Long Victory của Phúc Hà Group có thể cho rằng là một "nước cờ khôn ngoan" bởi vị trí, giá cả, tiện ích cho đến tiềm năng sinh lời của dự án này. Bởi vì, lúc bấy giờ đã có thông tin huyện Hoài Đức sẽ lên quận vào năm 2020.

Cái bắt tay ‘bạc tỷ’ nói trên được xem là một quyết định táo bạo, một bước ngoặt mới cho Phúc Hà Group. Tuy nhiên, nhằm có tiền đầu tư, xây dựng dự án, chủ đầu tư thứ cấp đã phải huy động vốn từ ngân hàng. Phải chăng, năng lực tài chính của Phúc Hà Group không đủ để thực hiện dự án hoặc một phần của dự án.

Phúc Hà Group đã mang “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 06/2009-HĐCN-NAK ngày 15/07/2009 (lô đất HH1)” đem thế chấp tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (ngân hàng SHB).

Như vậy, nhà ở hình thành trong tương lai của lô đất HH1 (Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh) đã bị chủ đầu tư thứ cấp thế chấp ngân hàng. Đây là dấu hiệu để người mua nhà tại dự án Thăng Long Victory (trong đó có tòa nhà Thăng Long Capital đang xây và mở bán), phải tìm hiểu kỹ, tránh rủi ro.

111
Sau nhiều năm chuyển nhượng, nhưng SUDICO vẫn là chủ đầu tư lô đất HH1 chứ không phải Phúc Hà Group.

Qua tìm hiểu của PV, dù hợp đồng chuyển nhưởng đã ký từ năm 2009, nhưng nhiều năm sau đó SUDICO vẫn là chủ đầu tư lô đất HH1 chứ không phải Phúc Hà Group. Điều này khiến nhiều người bày tỏ hoài nghi về mối quan hệ giữa Phúc Hà Group và SUDICO nhằm tạo vỏ bọc pháp lý.

Trao đổi với PV Thương hiệu & Pháp luật, đại diện Phúc Hà Group thừa nhận việc thế chấp ngân hàng mà dư luận đang xôn xao là có. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đảm bảo mọi quyền lợi cho khách hàng.

Đại diện Phúc Hà Group cho hay: “Việc thế chấp, giải chấp công ty tuân thủ theo quy định của pháp luật và theo nghành dọc của bên ngân hàng. Trước khi ký hợp đồng với khách hàng, chúng tôi phải giải chấp ra để người mua nhà có thể vay vốn ở ngân hàng khác”.

Vị đại diện này nói thêm: “Việc giải chấp như thế nào thì Phúc Hà Group và SHB sẽ làm thủ tục để làm sao khách hàng vay được tiền để mua nhà. Với dự án của chúng tôi hiện nay, xây dựng tới tầng 6 rồi, thì cái việc ứng tiền ra xong bây giờ mới bán là chuyện bình thường”.

Lý giải về năng lực tài chính, đại diện Phúc Hà Group nói: “Doanh nghiệp chỉ đủ so với quy định là 30%, còn đâu là phải vay ngân hàng, ứng trước để làm”.

Có thể nói rằng, việc thế chấp dự án hay nhà ở hình thành trong tương lai thuộc dự án, đây là quyền của chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc thế chấp đó phải bảo đảm theo quy định của pháp luật, tránh rủi ro cho khách hàng. PV đã liên hệ với ngân hàng SHB nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Thương hiệu & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu