03:37 ngày 05/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Dự án HACC1 Complex Building: Chủ đầu tư, đơn vị thi công xem thường tính mạng người lao động?

06:00 01/10/2016

(THPL ) - Tổ hợp nhà cao tầng thuộc dự án HACC1 Complex Building tọa lạc trên đường Lê Văn Lương, dù đang trong quá trình hoàn thiện xây thô trên các tầng cao, nhưng việc đảm bảo an toàn, tính mạng của người lao động đang bị chủ đầu tư coi thường, xem nhẹ…

Thời gian gần đây, Tòa soạn Thương hiệu & Pháp luật liên tục nhận được thông tin liên quan đến dự án HACC1 Complex Building, phản ánh về tình trạng công nhân thi công tại dự án không được trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động, có nguy cơ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi người lao động làm việc trên các tầng cao của công trình này.

Bảng thông báo về trang bị bảo hộ lao động đúng cách tại dự án HACC1 Complex Building. Ảnh: T.S

Để làm rõ thông tin phản ánh từ dư luận, PV đã có mặt tại dự án này để khảo sát thực tế và ghi nhận được rất nhiều hình ảnh về việc công nhân đang thi công phía bên ngoài tòa nhà, lan can, cửa sổ của các tầng trên cao nhưng được trang bị bảo hộ rất sơ sài. Cá biệt, có trường hợp công nhân leo ra bên ngoài lan can để thi công, trát vữa thì dây an toàn lại chỉ được móc vào xô, hoặc móc xung quanh người chứ không hề được móc vào bất kỳ chỗ nào có thể níu giữ chắc chắn. Trong khi đó, bên dưới tòa nhà cũng không hề có các tấm lưới an toàn giăng ra để hứng đỡ vật liệu xây dựng...

Công nhân thi công tại tầng trên cao nhưng không có dây bảo hộ, rất nguy hiểm. Ảnh: T.S (cắt từ clip)

Chứng kiến cảnh tượng mất an toàn trên, nhiều người dân tại tòa nhà cảm thấy ái ngại và lo lắng nếu chẳng may công nhân trong lúc thi công bị ngã, rơi xuống dưới thì hậu quả sẽ như thế nào? Trong trường hợp xảy ra tai nạn đối với công nhân, dẫn tới nguy hiểm về tính mạng thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm? Việc đảm bảo an toàn dường như bị cả đơn vị thi công và chủ đầu tư xem nhẹ, coi thường.

Việc thi công mà không mang dây an toàn như vậy, không phải là chúng tôi quên không đeo đâu. Nhiều hôm  gió to, anh em công nhân làm việc tại bên ngoài lan can, cửa sổ cũng cảm thấy sợ, nhất là nhiều khi có gió to, chẳng may ngã từ trên tầng cao xuống thì có nước chết thôi. Biết là nguy hiểm nhưng cũng vì miếng cơm manh áo để lo cho gia đình, chứ ở đây có thấy trang bị gì đâu mà bảo hộ mình đâu, mình tự lo cho mạng sống của mình thôi. Hôm nào có đoàn kiểm tra thì giám sát mới trang bị cho 1 số anh em công nhân làm bên ngoài cho có thôi”, một công nhân (giấu tên) chia sẻ với PV.

Người công nhân đi lại tự do trên tầng cao với dây bảo hộ quấn quanh người. Ảnh: T.S (cắt từ clip)

Một dấu hỏi lớn được dư luận đặt ra: Phải chăng các công nhân đang làm việc tại công trình dự án trên được đơn vị thi công sử dụng là các lao động “thời vụ”, không được ký hợp đồng lao động, không hưởng các chế độ bảo hiểm...nên mới bị chủ đầu tư, đơn vị thi công “xem thường” về an toàn lao động như vậy.

Rõ ràng trên thực tế, việc không đảm bảo an toàn lao động đang diễn ra tại dự án HACC1 Complex Building, tọa lạc tại Lô 2.6 đường Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội do Công ty Cổ phần xây dựng số 1 Hà Nội làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty cổ phần đầu tư và công nghệ xây dựng IBST.

Công nhân đang trát vữa bên ngoài tòa nhà nhưng không hề có dây bảo hộ. Ảnh: T.S (ảnh cắt từ clip)

Tòa soạn Thương hiệu & Pháp luật kính đề nghị UBND phường Nhân Chính, UBND quận Thanh Xuân, Sở Lao động Thương binh Xã hội Hà Nội cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh đối với công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công, cũng như nhằm giảm bớt các nguy cơ xảy ra mất an toàn lao động đối với công nhân đang làm việc tại công trình dự án này.

Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước đã xảy ra 3.674 vụ tai nạn lao động khiến 356 người chết; trong đó, ngành xây dựng chiếm 21,6% số vụ và 22,3% số người chết.

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn về xây dựng tập trung chủ yếu là do: ngã, rơi từ trên cao chiếm 18,9% tổng số vụ và 17,1% tổng số người chết. Trong đó, liên quan đến trách nhiệm của người sử dụng lao động như: Không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 24,3% tổng số vụ; Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động chiếm 8,1% tổng số vụ; Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 10,8% tổng số vụ; Do tổ chức lao động chiếm 4,0% tổng số vụ.

Thương hiệu & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu