09:46 ngày 19/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Đồng Hỷ, Thái Nguyên: Trạm trưởng Trạm y tế xã Khe Mo bán thực phẩm chức năng cho bệnh nhân mắc Covid với giá cao

20:27 05/08/2022

Qua quá trình tìm hiểu, xác minh thông tin phản ánh của người dân, ông Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ đã xác nhận việc Bác sĩ Hoàng Thị Mai Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Khe Mo có hành vi tư vấn và bán thực phẩm chức năng cho bệnh nhân mắc Covid 19 với giá cao là có thật.

Trước đó, theo thông tin phản ánh của người dân tại xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên về việc Bác sĩ Hoàng Thị Mai Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Khe Mo đã dựa vào uy tín và chức vụ công tác để tư vấn và bán thực phẩm chức năng cho bệnh nhân mắc Covid 19 với chi phí giao động từ 700.000 đồng đến hơn 1.000.000 đồng/bệnh nhân. Có những hộ gia đình nhiều thành viên cùng mắc covid 19 một lần.

Chia sẻ với Phóng viên Thương hiệu và Pháp luật, chị Q. cho biết: Gia đình chị có nhiều người mắc Covid 19 cùng một lúc và đều được Bác sĩ Hương kê đơn. Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc được 5 ngày tình hình vẫn không cải thiện. Trong quá trình mua thuốc, Bác sĩ Hương đã tư vấn cho bệnh nhân các loại thực phẩm chức năng cần dùng với giá cao hơn ngoài thị trường. Bên cạnh đó, việc thanh toán tiền thuốc cũng được chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của Bác sĩ Hương. 

Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ đã xác nhận việc Bác sĩ Hoàng Thị Mai Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Khe Mo có hành vi tư vấn và bán thực phẩm chức năng cho bệnh nhân mắc Covid 19 với giá cao là có thật.

Để rộng đường dư luận, Phóng viên đã có buổi làm việc với Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ. Ông Triệu Văn Thu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ xác nhận sự việc trên là có thật, việc này do cá nhân Bác sĩ Hoàng Thị Mai Hương tư vấn và bán cho người dân. Cụ thể các sản phẩm gồm: Novomin (415.000 đồng/hộp); viên sủi 2 tuýp (80.000 đồng); Hapacol extra (15.000 đồng/vỉ); xịt họng (40.000 đồng/lọ); xịt sát khuẩn tay (40.000 đồng/lọ); siro ho (50.000/chai); oresol (50.000 đồng/2 tuýp). Tổng mỗi đơn thuốc 700.000 đồng.

Theo quy định, tủ thuốc của Trạm y tế chỉ được phép bán các loại thuốc trong Danh mục thuốc thiết yếu. Vậy tại sao Trạm trưởng Trạm Y tế xã Khe Mo lại tự ý tư vấn và bán thực phẩm chức năng không nằm trong Danh mục thuốc thiết yếu cho người dân?

Không dừng lại ở đó, thời gian gần đây phóng viên cũng nhận được đơn thư phản ánh của ông N.T.B trú tại xã Khe Mo kiến nghị Đảng uỷ, UBND xã Khe Mo xem xét xử lý về hành vi chưa làm đúng chức trách nhiệm vụ và đạo đức nghề nghiệp của Bác sĩ Hoàng Thị Mai Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế. 

Nội dung đơn thư phản ánh của ông Nguyễn Thái Bắc trú tại xã Khe Mo kiến nghị Đảng uỷ, UBND xã Khe Mo xem xét xử lý về hành vi chưa làm đúng chức trách nhiệm vụ và đạo đức nghề nghiệp của Bác sĩ Hoàng Thị Mai Hương.

Theo ông Bắc, tháng 5/2022 con gái ông B. bị thương ở chân, chảy rất nhiều máu và được đưa đến Trạm y tế xã để sơ cứu vết thương. Tuy nhiên, khi lên đến sảnh ngoài của Trạm y tế thì Bác sĩ Hương ra mở cửa, từ chối tiếp nhận và yêu cầu chuyển lên tuyến trên với lý do không đủ đồ nghề để xử lý vết thương. 

Đến khi ông Bắc phải gọi điện “cầu cứu” lãnh đạo địa phương thì Bác sĩ Hương mới lấy dụng cụ để băng bó vết thương ngay tại sảnh. Sau vài ngày về nhà tự điều trị thì chân con ông B. đã đi lại được bình thường mà không sử dụng đến kháng sinh cũng như không cần đến bệnh viện huyện thăm khám. 

Ông Bắc cho rằng, Trạm y tế xã bây giờ đã đạt chuẩn, Trạm trưởng cũng là Bác sĩ, vậy tại sao khi bệnh nhân đến lại không được thăm khám, sơ cứu mà chỉ nhìn qua và yêu cầu chuyển lên tuyến trên? Phải chăng do Trạm Y tế xã Khe Mo không đủ dụng cụ để sơ cứu cho bệnh nhân như lời Bác sĩ Hương hay đó là sự thờ ơ, vô trách nhiệm của chính vị Trạm trưởng?

Trụ sở Trạm Y tế xã Khe Mo

Bác sĩ đóng vai trò quan trọng trong đội ngũ nhân lực y tế do nhiệm vụ trực tiếp khám và chữa bệnh. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Bộ Y tế đã xây dựng Chuẩn năng lực cơ bản Bác sĩ đa khoa Việt Nam và được ghi nhận tại Quyết định số 1854/QĐ-BBYT.

Trong đó nêu rõ: “Tiếp cận người bệnh và những vấn đề sức khỏe cộng đồng một cách khoa học, thấu đáo, trung thực, trách nhiệm, thông cảm, vị tha và yêu thương”. Đồng thời, “luôn đặt sự an toàn, quyền lợi của người bệnh làm trung tâm. Nhận biết các nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của người bệnh trong chăm sóc người bệnh”.

Điều đầu tiên trong 12 điều y đức được ban hành kèm theo Quyết định số: 20881BYT-QĐ ngày 06/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu rõ “Chǎm sóc sức khoẻ cho mọi người là nghề cao quý. Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Phải có lương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức của thầy thuốc. Không ngừng học tập và tích cực nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn. Sẵn sàng vượt qua mọi khó khǎn gian khổ vì sự nghiệp chǎm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”.

Trước những dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật và đạo đức nghề nghiệp của Trạm trưởng Trạm Y tế xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng liên quan cần có biện pháp xử lý triệt để tránh gây bức xúc trong dư luận. 

Hoài Thanh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu