08:22 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

"Độc nhất vô nhị" tại Việt Nam: Làng ăn đất như ăn kẹo!

| 09:48 02/04/2017

(THPL) - Cầm miếng đất màu trắng bột đưa lên miệng nhai sần sật, cụ Biện móm mém nói: “Đất ngon lắm các chú à. Đất phơi khô nhưng không cứng, ăn vào có vị thơm, bở xốp. Không phải đất nào cũng ăn được, chỉ đất vùng này do chúng tôi làm mới dùng được, ăn vào phát ghiền”.

Nằm ngay sau thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc, có một làng được gọi với cái tên kỳ lạ là “làng ăn đất”. Những người cao niên ở khu phố Thống Nhất xem đất ngói là món ăn khoái khẩu. Món bánh đất dù không còn phổ biến như trước, nhưng nó vẫn là món không thể thiếu trong bữa ăn của một số gia đình tại đây.

Gia đình bà Khổng Thị Biện (80 tuổi), ông Khổng Văn Loa ở thôn Thống Nhất, thị trấn Lập Thạch (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) từ nhiều đời nay vẫn giữ tục ăn đất. (Ảnh: Hoàn Nguyễn)

Tục ăn đất ở đây có từ rất lâu, không ai nhớ rõ. Chỉ biết rằng, từ khi sinh ra thì những người lớn tuổi nhất trong làng đã thấy cha, ông của mình thường ngày vẫn hay ăn đất ngói. Chính vì vậy, như đã thành lệ, trước kia, cứ mỗi khi gia đình có giỗ, lễ tết thì món “bánh đất” luôn là thành phần không thể thiếu.

Cụ Khổng Thị Biện cho biết, đất ngói được đào dưới sâu hàng chục mét. Đến khi gặp những vỉa đất màu trắng, tinh khiết, như những cục phấn, giống ruột củ sắn, có vân thì đó là đất ăn được. Đất được đưa lên sẽ phải đem đi rửa, phơi khô và lọc hết cặn bẩn bám xung quanh. Miếng đất to sẽ được cắt thành thỏi vừa nhỏ như cái kẹo và có thể ăn sống luôn.

Sau đó, để đất ngói thơm ngon hơn, người dùng phải hái thêm lá cây sim tươi đốt cháy rồi đưa đất lên hơ trước ngọn lửa, khói của lá sim quện vào thì đất mới có vị thơm ngon đặc trưng.

Khói của lá sim quện vào thì đất mới có vị thơm ngon đặc trưng. (Ảnh: Hoàn Nguyễn)

Theo ông Nguyễn Ngọc Nghĩa - Chủ tịch UBND thị trấn Lập Thạch cho biết: “Đã một thời, Lập Thạch có món bánh đất ăn nổi tiếng vì độ dẻo, lạ, ngậy. Và từng là đầu mối cung cấp đất ăn cho rất nhiều địa phương khác trong, ngoài Vĩnh Phúc”.

Dưới góc nhìn khoa học, loại đất ngói mà người dân nơi đây ăn chính này là đất Cao Lanh. Có thể người dân nơi đây ăn do cơ thể thiếu vi chất sinh dưỡng; để tạo cảm giác no trong thời kỳ đói kém và ăn để giải toả một số căng thẳng thần kinh, về tâm sinh lý...

Tiến sĩ Nguyễn Việt tại Trung tâm tiền sử Đông Nam Á đã tiến hành phân tích một số mẫu đất đá mà người Mãng ở Than Uyên dùng để ăn, thấy có nhiều oxit sắt, canxi, kali, photpho, kẽm... là những khoáng chất có lợi cho sức khoẻ. Thực tế trong y học, người ta cũng sản xuất ra một số loại thuốc, thực chất là các loại đất tinh chế, như bican, alusi... để trị bệnh dạ dày. Ngoài ra, người ta cũng tạo ra các loại thực phẩm có khả năng bổ sung vi chất dinh dưỡng như canxi, muối iốt, viên sắt, kem đánh răng fluor... để tăng cường sức khoẻ và chữa bệnh.

Tuy nhiên, các số liệu phân tích mẫu đất còn nghèo nàn và chưa đi sâu về đặc điểm địa hoá, địa sinh thái, dịch tễ học, độc học... Hơn nữa, các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng, đất ăn đồng thời có thể đưa vào cơ thể những chất độc hại như As, Hg, Pb, Cd... và nhiều loại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm, nhất là khi môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác thải, phân bón hoá học, thuốc trừ sâu... Đó là chưa kể việc ăn đất thường xuyên còn nhanh chóng làm mòn răng.

Chính vì vậy, tục ăn đất dần không còn là một thứ “mốt” nữa và phai nhạt trong đời sống dân vùng Lập Thạch. Đã từ lâu lắm, người dân không còn nhắc đến chuyện đào đất, nướng đất. Ăn đất chỉ còn tồn tại trong những câu chuyện vui của người già mà thôi.      

Hạ Lan (t/h)      

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu