22:05 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp Việt trước nguy cơ bị thâu tóm vì dịch Covid-19?

07:53 17/05/2020

(THPL) - Cuộc chiến với Covid - 19 đã khiến hàng chục nghìn doanh nghiệp Việt Nam lao đao, trong lúc tìm cơ hội sống sót có một nguy cơ không hể nhỏ là không ít doanh nghiệp có tiềm năng phát triển sẽ bị thâu tóm với giá rẻ, qua nhiều hình thức bởi các doanh nghiệp nước ngoài.

Tại Hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp gần đây, vấn đề trên đã chính thức được đặt ra, cùng với những thảo luận, tìm giải pháp, khẳng định tính nghiêm trọng của vấn đề đối với các doanh nghiệp Việt Nam.  

Theo số liệu gần đây nhất của Bộ KHĐT, số dự án doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (FDI) đăng ký mới trong giai đoạn dịch Covid-19 giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển sang đẩy mạnh các thương vụ mua cổ phần, góp vốn. Trong 4 tháng đầu năm 2020 đã có 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái và gấp 3,3 lần so với số lượt đăng ký vốn FDI mới.

(VCCI) đã đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp

Chỉ tính riêng các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đã thực hiện giao dịch rót vốn đầu tư qua hình thức M&A (sáp nhập hoặc mua lại) doanh nghiệp Việt Nam lên đến 557 lượt, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước thực trạng trên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Với những diễn biến xấu ngày càng trầm trọng trong hoạt động của doanh nghiệp trong gia đoạn này, VCCI cũng đã từng đưa ra cảnh báo nếu doanh nghiệp trong nước không được cung cấp “ô xy”, “máy thở” kịp thời, rất có thể khi các gói cứu trợ được chuyển đến thì doanh nghiệp đã không còn tồn tại để nhận trợ giúp từ Chính phủ, cùng với đó là hệ quả doanh nghiệp Việt sẽ bị thâu tóm và chi phối bởi doanh nghiệp nước ngoài.

Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết phía Bộ KHĐT đã báo cáo Chính phủ tình trạng và các giải pháp các nước đang áp dụng cho doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, ông cho rằng chỉ nên hạn chế việc thâu tóm doanh nghiệp chủ chốt,  còn vẫn để hoạt động mua cổ phần, góp vốn vào các công ty bình thường một cách tự nhiên.

Trên thực tế, hiện trạng thâu tóm doanh nghiệp sở tại này không chỉ xảy ra riêng với Việt Nam, đó là thực trạng chung của rất nhiều quốc gia, cùng với đó là những biện pháp của chính phủ các nước, nhằm hạn chế sự xâm nhập tiềm ẩn nhiều nguy hại hơn lợi ích này. 

Quốc gia đầu tiên có thể nói đến là Ấn Độ, đang tìm đối sách để ngăn doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm các doanh nghiệp nội địa, sau đó tuồn các máy móc, công nghệ cũ vào thị trường sản xuất của nước sở tại.  Ấn Độ đã ra một đạo luật là trong thời gian Covid-19 thì tất cả các đầu tư từ các nước láng giềng phải được chính phủ Ấn Độ chấp nhận chứ không phải tự động đi vào như trước đây.

Là quốc gia có nền kinh tế mạnh nhưng điều này cũng đã được Hoa Kỳ thực hiện từ trước đây rất lâu. Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) là một ủy ban liên ngành được thành lập từ 1975 để duyệt xét đầu tư tư nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, lúc đầu là do lý do an ninh nhưng trong mấy năm gần đây thiên về thương mại và kinh tế nhiều hơn.

Cũng tương tự như Ấn Độ, vừa qua, 2 nước Úc và Đức đều tuyên bố là trong thời kỳ đại dịch Covid-19, tất cả đầu tư từ nước ngoài phải được Chính phủ xem xét để tránh trường hợp các nước khác thừa cơ hội "nước đục thả câu".

Nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế khẳng định, ngoài những thiệt hại ghê gớm, đại dịch Covid-19 cũng là một cơ hội hiếm có để các kinh tế gia Việt Nam phân tích kỹ lưỡng  ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Việt Nam. Từ đó, đóng góp ý kiến với Chính phủ lập ra một chương trình rõ ràng, thiết thực nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng khi phụ thuộc nhiều vào một thị trường, nhất là các đầu vào về chất xám cũng như về vật liệu và thay vào đó các nguồn từ trong nước hoặc từ nhiều nước khác.

Quốc Cường

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu