04:37 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp Việt cần có giải pháp, chủ động thích ứng trong năm 2023

13:40 13/01/2023

(THPL) – Một số chuyên gia dự đoán, năm 2023 sẽ có nhiều biến động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Theo đó, các đơn vị nên chủ động thay đổi mô hình kinh doanh và hợp tác chặt chẽ hơn để tạo sức mạnh nội địa.

Trong năm 2022, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao kỷ lục, nhưng Việt Nam lại thuộc nhóm các nền kinh tế có mức tăng lạm phát thấp so với mặt bằng chung với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2022 tăng 3,15% so với năm 2021, thấp hơn mục tiêu khoảng 4% mà Quốc hội đặt ra.

Năm 2023, các chuyên gia cho rằng lạm phát không phải rủi ro lớn với kinh tế Việt Nam. Nhưng không nên chủ quan trong bối cảnh những yếu tố làm gia tăng áp lực lạm phát vẫn hiện hữu.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá thuộc Tổng cục Thống kê, cho biết mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% trong năm 2023 là thách thức với các cơ quan quản lý, điều hành kinh tế do có một số yếu tố sẽ tạo áp lực cho lạm phát.

Doanh nghiệp Việt cần có giải pháp, chủ động thích ứng trong năm 2023. Ảnh minh hoạ

Về tình hình kinh tế thế giới, các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát năm 2023 sẽ giảm, nhưng vẫn ở mức cao và tiếp tục là rủi ro lớn nhất với nhiều nền kinh tế. Với Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở kinh tế lớn, thì mọi biến động của thế giới sẽ tác động nhanh tới kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, việc Trung Quốc gỡ bỏ chính sách “Zero-Covid” sẽ gia tăng nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu sản xuất, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, đẩy giá cả trên thế giới tăng lên, gây áp lực lên lạm phát toàn cầu.

Rủi ro này xuất hiện trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất. Vì vậy, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp, qua đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát của nền kinh tế.

Cũng nói về vấn đề lạm phát năm 2023, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính, dự báo lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 1/2023, sau đó giảm dần về mức 3% vào cuối năm 2023 nhờ chính sách tiền tệ thận trọng của NHNN trong năm 2022, cũng như nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.

“Áp lực lạm phát trong năm 2023 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng như giá điện. Mặc dù vậy, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2023 với mức điều chỉnh không quá lớn, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, hay thậm chí dưới 4% là hoàn toàn khả thi”, ông Độ cho biết.

Lý giải rõ hơn, ông Độ cho biết trước áp lực lạm phát cơ bản gia tăng bền vững từ giữa năm 2022, NHNN đã chủ động thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng trong nửa sau năm 2022.

Dự báo diễn biến giá cả một số mặt hàng, PGS. TS Nguyễn Bá Minh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho biết giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng đột biến nhờ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua phát triển khá tốt với nhiều tín hiệu khả quan cho thấy cung – cầu nông sản (thịt lợn, lúa gạo, rau quả) năm 2023 sẽ không căng thẳng.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá: "Để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng một cách mạnh mẽ thì rõ ràng cơ chế thực thi rất quan trọng. Do đó chính sách tạo động lực thực thi cho bộ máy các cấp là một yếu tố rất quan trọng. Tôi cho rằng từ khóa cho năm 2023 là nâng cao chất lượng thực thi".

Về phía doanh nghiệp, các chuyên gia khuyến nghị nên chủ động thay đổi mô hình kinh doanh và hợp tác chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp để tạo sức mạnh nội địa. Ngoài khai thác tốt thị trường trong nước, doanh nghiệp có thể tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu để đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.

Thanh Mai

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu