07:48 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp ngành sắt thép nỗ lực tận dụng cơ hội xuất khẩu

15:28 13/09/2022

(THPL) - Thời gian qua, các doanh nghiệp ngành thép đã nỗ lực phát triển thương hiệu ra thị trường thế giới. Đặc biệt, trước bối cảnh nhiều nhà máy thép tại châu Âu đang phải đóng cửa do chi phí năng lượng tăng cao, các doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều cơ hội cho hoạt động xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng này trong giai đoạn cuối năm.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam tiếp tục nhập siêu hơn 270.000 tấn sắt thép các loại trong tháng 8, giảm 8,2% so với tháng 7. Cụ thể, nhập khẩu sắt thép tháng 8 giảm 13,6% so với tháng trước đó, đạt mức hơn 785.000 tấn. Trong khi xuất khẩu cũng giảm mạnh 16,3% xuống khoảng 513.000 tấn. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, nước ta đã nhập siêu hơn 2,2 triệu tấn sắt thép, trái ngược với giai đoạn cùng kỳ năm ngoái khi Việt Nam ghi nhận xuất siêu gần 330.000 tấn.

Theo báo Chính phủ, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, vào năm ngoái, việc các quốc gia lớn trên thế giới liên tục kích thích kinh tế sau đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng sắt thép. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh ngành thép của Việt Nam không ngừng được cải thiện, và điều này đã mở ra cơ hội lớn trong hoạt động thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay khi những nền kinh tế lớn thực hiện thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát leo thang, nhu cầu hàng hoá nói chung và sắt thép nói riêng có xu hướng hạ nhiệt. Điều này đặt ra cho ngành xuất khẩu thép của Việt Nam không ít thách thức lớn.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh nhiều nhà máy thép tại châu Âu đang phải đóng cửa do chi phí năng lượng tăng cao, các doanh nghiệp thép của Việt Nam vẫn sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng này trong giai đoạn cuối năm. Hơn nữa, triển vọng tiêu thụ nội địa cũng hứa hẹn sẽ khởi sắc hơn khi hàng loạt dự án đầu tư sẽ gấp rút đẩy mạnh tiến độ. Ngành sắt thép cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng nhằm tận dụng cơ hội từ trong thách thức.

Doanh nghiệp sắt thép nỗ lực phát triển, tận dụng cơ hội xuất khẩu. Ảnh minh hoạ

Báo Hải quan đưa tin, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận, thời gian qua, các danh nghiệp ngành thép đã nỗ lực phát triển thương hiệu ra thị trường thế giới. Các doanh nghiệp cũng chủ động nắm bắt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA)… thúc đẩy xuất khẩu. Thép nằm trong nhóm ngành đứng đầu về tận dụng ưu đãi thuế quan. Hiện, sản phẩm thép của Việt Nam đã vươn tới 30 thị trường. “Dù còn rất nhiều khó khăn song 15 FTA đã ký kết và có hiệu lực đang mở ra cơ hội lớn về thị trường cho ngành thép”, bà Cẩm Trang nói.

Hiện các sản phẩm thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á mà còn mở rộng ra hơn hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu với các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ... Việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép lại là lý do khiến nhiều quốc gia chú ý, gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại...

Bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, muốn khắc phục các khó khăn nội tại, tận dụng cơ hội xuất khẩu, ngành thép cần phát triển, hoàn thiện chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp phải cải tiến công nghệ, mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, chuẩn hóa nguồn cung nguyên liệu nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm cơ hội từ các FTA về cắt giảm thuế quan, đáp ứng quy tắc xuất xứ; tuân thủ nghiêm ngặt quy định của các thị trường nhập khẩu…

Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép lưu ý, tỷ lệ cao doanh nghiệp trong ngành thép là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiểu biết và sự quan tâm cho phòng vệ thương mại vẫn chưa nhiều. Do vậy, khi có thông tin các vụ kiện phòng vệ từ nước ngoài, họ dễ rơi vào trạng thái bị động. Lúc này, sự chủ động, phối hợp liên kết với nhau giữa các doanh nghiệp trong ngành và cơ quan chức năng phòng vệ trong nước rất quan trọng.

“Bản thân doanh nghiệp phải xây dựng một hệ thống kế toán minh bạch cùng những kiến thức về phòng vệ. Làm được điều đó, doanh nghiệp sẽ dựng lên “tấm khiên” cho chính mình trước các vụ kiện từ thị trường quốc tế; đồng thời, bảo vệ sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu”, ông Sưa nói.

Thanh Mai (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu