21:47 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp muốn giữ nguyên cách tính lương đóng bảo hiểm xã hội

11:01 04/05/2023

(THPL) - Góp ý Dự thảo Luật Bảo hiếm xã hội sửa đổi, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, doanh nghiệp muốn giữ nguyên căn cứ tính tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để không phải chịu áp lực về chi phí 'gia tăng đột biến'.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang đưa ra hai phương án căn cứ xác định tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để lấy ý kiến. Một là, tiền lương tháng - bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Hai là, tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động; không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Doanh nghiệp muốn giữ nguyên cách tính lương đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh: Internet

So với phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tại phương án 2 sẽ bao gồm thêm cả các khoản phụ cấp lương, bổ sung khác gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động. Trong đó, phương án 1 chính là phương án đang được áp dụng theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành và cũng là đề xuất mà nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đồng tình, theo kết quả khảo sát nhanh một số doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp do Ban IV thực hiện cuối tháng 4/2023. Lý do được đưa ra, với phương án 1, doanh nghiệp và người lao động sẽ không phải chịu áp lực về chi phí “gia tăng đột biến”.

Với phương án 2, nhiều ý kiến lo ngại sẽ làm gia tăng chi phí của cả người sử dụng lao động và người lao động mà chưa thực sự giải quyết triệt để các nguyên nhân trực diện của tình trạng “chậm đóng, trốn đóng...”. Thêm nữa, việc điều chỉnh tăng căn cứ tính đóng BHXH khiến gia tăng chi phí lao động của doanh nghiệp trong bối cảnh chi phí này đã được cho là “cao nhất khối ASEAN”, sẽ ảnh hưởng trực tiếp năng lực cạnh tranh của DN và năng lực cạnh tranh quốc gia và có thể gây “hiệu quả ngược” đối với các mục tiêu thu hút đầu tư FDI, đầu tư tư nhân đang được đẩy mạnh hiện nay.

Liên quan đến phương án đóng bảo hiểm xã hội, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, thực tế cho thấy phương án 1 (cách tính lương đóng BHXH hiện hành) chưa bảo đảm quyền lợi tốt cho người lao động. Quy định cứng phụ cấp tính đóng BHXH chỉ có thể thực hiện với doanh nghiệp có thang bảng lương thể hiện các khoản cố định (đa số là doanh nghiệp nhà nước). Nhưng hiện nay mới tính đóng được trên ba loại phụ cấp bao gồm chức vụ, thâm niên nghề và thâm niên vượt khung (nếu có).

Ở một số doanh nghiệp vẫn xảy ra tình trạng tách thành nhiều khoản trợ cấp, bổ sung để "lách, né" đóng BHXH. Không ít doanh nghiệp tồn tại ba loại thu nhập của người lao động là loại làm căn cứ đóng BHXH, loại để quyết toán và thu nhập thực tế.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tiền lương bình quân đóng BHXH của hơn 17 triệu người tham gia BHXH bắt buộc năm 2022 là 5,73 triệu đồng. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, mức thu nhập bình quân nhóm đối tượng làm công ăn lương là 7,54 triệu đồng/tháng. Mức đóng BHXH bình quân hằng tháng bằng khoảng 75 - 76% mức thu nhập bình quân thực tế.

Có doanh nghiệp trả tổng thu nhập cho người lao động 20 - 30 triệu đồng/tháng nhưng đóng BHXH theo mức lương 5-6 triệu đồng. Điều này ảnh hưởng nhất định đến việc thụ hưởng các chế độ BHXH của người lao động, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già như chúng ta hay thấy nhiều người kêu là lương hưu "quá thấp, không đủ sống".

Tú Chi (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu