13:27 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp gặp khó trước kiến nghị tăng thuế xuất khẩu phân bón

14:03 02/08/2022

(THPL) - Hiện nay đề xuất áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% với mọi mặt hàng phân bón đang nhận được phản hồi trái chiều từ một số doanh nghiệp trong ngành.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có báo cáo Chính phủ về tổng quan thị trường phân bón. Hiện, giá các loại phân bón liên tục tăng cao do hầu hết nguyên liệu phải nhập khẩu với giá tăng mạnh, cùng việc thiếu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất thời gian qua cũng tác động đến giá phân bón.

Báo VOV đưa tin, theo đề xuất của Bộ Tài chính, phân bón có giá trị tài nguyên và khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm, tăng thuế suất xuất khẩu từ 0% lên 5%. Nhóm phân bón khác giữ nguyên mức thuế hiện hành.

Phương án tăng thuế xuất khẩu này sẽ góp phần điều tiết lại nguồn phân bón sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp. Đồng thời giảm bớt thủ tục hành chính do doanh nghiệp và hải quan phải xác định tỷ lệ tài nguyên khoáng sản chiếm trong sản phẩm như quy định hiện hành.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, đề xuất tăng thuế xuất khẩu này có thể có ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp xuất khẩu phân bón.

Doanh nghiệp gặp khó trước kiến nghị tăng thuế xuất khẩu phân bón. Ảnh minh họa

Thực tế, giá các loại phân bón trong và ngoài nước đều đang tăng mạnh trong năm 2022 do xu hướng cắt giảm xuất khẩu của Trung Quốc và Nga vẫn còn đang diễn ra do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và chiến tranh với Ukraine. Lệnh cấm vận của các nước phương Tây áp đặt lên Nga cũng ảnh hưởng nhiều đến giá của các mặt hàng phân bón do thiếu nguồn cung và dự trữ phân bón, điều này có thể tiếp diễn cho đến gần cuối năm 2022. Nhờ những yếu tố vĩ mô này mà trọng lượng xuất khẩu phân bón của các doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh và được hưởng lợi khá nhiều.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nêu quan điểm, việc áp thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón nhằm hạ giá thành phân bón trong nước, cần có sự tính toán cẩn trọng.

Ông Cường chỉ ra nguyên nhân tăng giá phân bón trong thời gian qua là do nhiều yếu tố, trong đó, chi phí đầu vào sản xuất urê chiếm tỷ trọng cao như than nhiệt điện, than phản ứng đều tăng gấp 1,5 lần trong 10 tháng nay khiến than chiếm tới 63% cơ cấu giá thành.

Đối với Kali, nguyên liệu là lưu huỳnh, amoniac đã tăng gấp đôi trong một năm, mà Việt Nam còn đang phải nhập khẩu 100% lưu huỳnh. Ngoài ra, giá phân bón tăng còn đến từ việc chi phí logistics, vận chuyển tăng cao. Đặc biệt, phân bón là sản phẩm theo mùa vụ và có thể gây thừa cục bộ ở một số điểm, dẫn đến chi phí lưu kho, bảo quản tăng cao.

Vậy nên, ông Cường đánh giá việc áp thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón sẽ hạ nhiệt được giá bán trong nước là không hợp lý.

Cũng theo đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, năng lực sản xuất phân bón trong nước của các doanh nghiệp hiện nay ước tính ở mức 33 triệu tấn, trong đó tiêu thụ cho nông nghiệp chỉ 12 triệu tấn. Như vậy công suất dư thừa lên tới khoảng 20 triệu tấn, trong khi giá bán xuất khẩu cho thị trường thế giới rất tốt, thuận lợi.

Mặt khác, do đặc thù của phân bón là có tính thời vụ rất cao, sản lượng cao thấp theo mùa vụ; còn sản xuất thì lại phải ổn định, liên tục. Cho nên trong những thời điểm nhu cầu trong nước thấp, doanh nghiệp phải thực hiện xuất khẩu.

Nếu không xuất khẩu hoặc bị hạn chế xuất khẩu, “đó là một sự lãng phí về năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, không kích thích tăng trưởng tại các đơn vị”.

Theo tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinacam cho rằng, khi giá bán nội địa tăng hơn mức giá biến đổi được duyệt đến 20-30% thì bắt đầu áp thuế suất xuất khẩu (ví dụ 5%), nhưng nếu thị trường tăng giá đến 50%, 70%, 100%… thì mức thuế xuất khẩu sẽ tăng lũy tiến lên 10%, 30%, 50%…, thậm chí đến 100% để bảo đảm nguồn cung, hạ nhiệt giá phân bón tại thị trường nội địa.

Ngược lại, khi giá trong nước sát chi phí biến đổi, nguy cơ nhà sản xuất lỗ thì thuế nhập khẩu lập tức được kích hoạt theo chiều ngược lại và thuế xuất khẩu tự động bị triệt tiêu. Như vậy sẽ tránh được biến động thị trường và tác động tiêu cực đối với người nông dân.

Chuyên gia nông nghiệp, GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết, giá phân bón tăng là thách thức vô cùng lớn với người nông dân, song cũng là cơ hội để họ thay đổi tư duy, từ bỏ việc lạm dụng phân bón để tăng năng suất.

Người nông dân không quyết định được giá lúa, phân bón nhưng có thể giảm chi phí, năng suất giảm, về tổng thể lợi ích vẫn đảm bảo do thúc đẩy những xu hướng sản xuất phân hữu cơ, nông sản sạch, nuôi vịt, cá trên ruộng lúa, nuôi trồng thuận thiên phát triển. Ông cũng nói, để giảm phụ thuộc phân bón, người nông dân trồng lúa trước mắt cần giảm lượng giống gieo sạ, vừa tiết kiệm giống lại không làm giảm năng suất.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu