10:31 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp cà phê đẩy mạnh chế biến sâu, hướng đến sản xuất xanh

Tú Linh (T/h) | 10:53 30/10/2023

(THPL) - Thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên đầu tư các cơ sở chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm cà phê và hướng tới phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, cà phê nhân chỉ còn chiếm 55-70% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê, còn lại là cà phê đã qua chế biến.

Liên quan đến giá cà phê, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, kết thúc tuần giao dịch 23 - 29/10, giá cà phê đảo chiều giảm sau hai tuần tăng liên tiếp. Trong đó, giá Robusta mất 3,87% và giá Arabica thấp hơn 2,6% so với tham chiếu. Triển vọng nguồn cung tích cực tại cả hai quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới gây sức ép lên giá.

Mưa đã giảm tại khu vực trồng cà phê chính của Việt Nam, thay vào đó là thời tiết khô ráo tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đẩy mạnh tiến độ thu hoạch vụ mới. Điều này cũng đưa đến kỳ vọng cà phê vụ mới sớm được bổ sung ra thị trường, từ đó giảm bớt khó khăn trong xuất khẩu cà phê tại Việt Nam.

Tại thị trường trong nước, khép lại tuần trước (23 - 29/10), giá cà phê nội địa giảm trung bình 600 đồng/kg. Ghi nhận sáng nay (30/10), giá cà phê tại Tây Nguyên đi ngang so với hôm qua, dao động khoảng 58.700 - 59.500 đồng/kg. 

Doanh nghiệp cà phê đẩy mạnh chế biến sâu, hướng đến sản xuất xanh. Ảnh minh hoạ

Hiện nay, đứng trước những thách thức từ thị trường, biến đổi khí hậu, Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) của Ủy ban châu Âu ban hành,… ngành cà phê Việt đang dần chuyển sang chặng đường tăng trưởng xanh, minh bạch, trách nhiệm hướng tới tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến năm 2022, có khoảng 26,14% diện tích cà phê của Việt Nam được cấp các chứng nhận trong sản xuất cà phê tiêu chuẩn và bền vững gồm: 4C UTZ Certified, VietGAP, Organic, Rainforest Alliance, FLO, GlobalGAP, FairTrade và HACCP. Trong đó, Đắk Lắk đang có 45.674ha cà phê được áp dụng quy trình sản xuất bền vững có chứng nhận. Tại Gia Lai ngoài 36.620ha cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận, tỉnh còn có trên 12.069ha cà phê ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước...

Tại tỉnh Quảng Trị cũng thực hiện dự án “Cà phê nông lâm kết hợp” ở huyện Hướng Hóa. Thông qua mô hình cà phê nông lâm kết hợp bền vững, chất lượng cao, công bằng và thân thiện với rừng, dự án được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện sinh kế cho các hộ sản xuất cà phê quy mô nhỏ ở huyện; góp phần giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và quản lý hiệu quả diện tích rừng tự nhiên...

Năm 2022 vừa qua, lần đầu tiên xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt hơn 4 tỷ USD, nhờ lượng xuất khẩu đạt mức cao thứ ba trong 10 năm qua, với 1,78 triệu tấn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chính vì đẩy mạnh lượng cà phê xuất khẩu trong năm 2022 nên trữ lượng xuất khẩu dành cho năm 2023 thấp, trong khi đó, sản lượng cà phê thu hoạch niên vụ 2022/2023 giảm tới 10-15% so với niên vụ 2021/2022 do thời tiết không thuận lợi. Dẫn tới, lượng cà phê xuất khẩu giảm mạnh trong năm nay. Tuy nhiên, nhờ giá cà phê xuất khẩu tăng cao 10% so với năm trước, nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng nhẹ trong những tháng đầu năm nay.

Hiện tại những ngày đầu tháng 10/2023, nông dân cũng đã bắt đầu thu hoạch cà phê chín sớm niên vụ 2023/2024. Điều này có thể giúp gia tăng nguồn cung cho hoạt động xuất khẩu cà phê trong thời gian tới. Cũng theo tính toán từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt khoảng 1,72 triệu tấn, thu về 4,2 tỷ USD.

Dù kim ngạch đạt mức cao là kết quả đáng mừng đối với ngành cà phê, nhưng theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) phân tích, nhìn lại hoạt động xuất khẩu trong hai năm qua thì khả năng có thể duy trì giá trị xuất khẩu ở mức cao trong dài hạn là điều chưa chắc chắn. Bởi có thể thấy rằng yếu tố chính giúp kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2023 vượt 4 tỷ USD là nhờ vào giá tăng trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ưu tiên đầu tư các cơ sở chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm cà phê và hướng tới phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, cà phê nhân chỉ còn chiếm 55-70% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê, còn lại là cà phê đã qua chế biến.

Tú Linh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu