17:50 ngày 03/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đang diễn biến phức tạp

15:52 13/06/2017

(THPL) - Mặc dù chưa đến mùa dịch (tháng 6 - 7 hàng năm) nhưng số lượng ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đã tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2016, đặc biệt đã có 1 ca tử vong và dịch bệnh này đang có xu hướng gia tăng nhanh.

Hà Nội không phải là điểm nóng của dịch sốt xuất huyết nhưng tính đến ngày 4/6, trên địa bàn toàn thành phố đã ghi nhận 1.281 bệnh nhân mắc bệnh. Trong đó, có 126 bệnh nhân đang điều trị, 1 trường hợp đã tử vong tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa.

Theo dự báo, đỉnh dịch thường xuất hiện vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Chu kỳ dịch sốt xuất huyết  thường 5 năm lặp lại một lần nhưng hiện nay chu kỳ này đang có thay đổi. So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc sốt xuất huyết trong năm 2017 đã tăng 2,6 lần dù chưa phải đỉnh dịch.

Số người mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng cao dù chưa phải thời điểm đỉnh dịch. (Ảnh minh họa)

Dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các quận huyện thuộc khu vực nội thành như Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Xuân.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho hay, số bệnh nhân được ghi nhận rải rác trong các tháng nhưng có xu hướng gia tăng từ giữa tháng 4 và tăng nhanh trong những tuần gần đây do điều kiện thời tiết chuyển mùa nắng nóng và mưa nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và lây truyền mạnh. Bên cạnh đó, bệnh này cũng chưa có vaccine phòng đặc hiệu nên sẽ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2017. 

TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội - khẳng định, ngay từ đầu năm, các đơn vị đã chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết như tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, chủ động phun hóa chất diệt muỗi, bọ gậy.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị chủ động công tác giám sát, phát hiện sớm, xét nghiệm chẩn đoán nhanh, xử lý ổ dịch ngay từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên. Hệ thống điều trị bảo đảm điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế tối đa biến chứng và tử vong; đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, máy phun, hóa chất cho công tác chống dịch cũng như điều trị ở tất cả các tuyến.

Tuy nhiên, tình hình dịch sốt xuất huyết hiện nay diễn biến rất phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do thời tiết mưa, nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển, còn có nhiều yếu tố chủ quan. Đó là chính quyền địa phương nhiều nơi còn lơ là, chưa coi trọng công tác phòng, chống dịch; ý thức người dân chưa cao, thậm chí chủ quan.

Thậm chí, nhiều người dân còn phản ứng, cho rằng đó là trách nhiệm của ngành y tế, của chính quyền địa phương chứ không phải của dân. Nhiều nơi vẫn còn tình trạng người dân không hợp tác khi cán bộ đi phun hóa chất diệt muỗi diện rộng phòng sốt xuất huyết. 

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo:

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Minh An (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu