02:13 ngày 28/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Dí dao tra khảo người phụ nữ đáng thương và niềm tin lạc mất...

07:24 26/06/2017

Một hành vi lỡ bị nghi là kẻ trộm cũng bị đánh đến chết. Một người phụ nữ không bình thường đi lang thang cũng có thể bị coi là “mẹ mìn”, bị khảo tra, dí dao vào cổ, quay clip làm nhục tung lên mạng, như ở một xã hội không có luật pháp.

Clip ghi lại cảnh người dân ở xã Nam Thái và Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn (Nghệ An) vây bắt rồi dí dao nhọn vào cổ tra khảo một phụ nữ bị nghi là bắt cóc trẻ em giữa vòng vây những người khác quay clip và mắng chửi thậm tệ lan truyền trên mạng đã gây sốc nhiều người.

Người phụ nữ thiếu may mắn vô cớ bị tra khảo vô cùng sợ hãi đành nhận bắt được 3 đứa trẻ cùng nhiều lần khác không nhớ rõ.

Đến khi Công an đưa người phụ nữ này về làm việc, mới phát hiện chị bị thần kinh. Trước đó, người dân ở một xã khác của huyện Nam Đàn cũng đã bắt người phụ nữ này chỉ vì nghi chị bắt cóc trẻ em dù chả có bằng chứng.

Câu chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ, thậm chí rất đau lòng. Nó cho thấy sự khủng hoảng lòng tin đang diễn ra và hậu quả của nó có thể dẫn đến việc hành xử vô pháp, mà vụ việc tương tự không phải là duy nhất.

Người phụ nữ tội nghiệp bị dí dao.

Cách đây vài tháng, ở Hà Nội cũng xảy ra một vụ. Ấy là chị Nguyễn Thị Phương đến nhà người quen ở ngõ 135 phố Núi Trúc chơi. Khi phát hiện chiếc xe SHi ở sân có kẻ lấy, chị đuổi theo và hô hoán.

Lúc này, anh Trần Việt Hưng - tổ trưởng bảo vệ dân phố cũng đi xe SH tới, định hỗ trợ chị Phương truy bắt kẻ trộm thì lại bị người dân quây vào đánh đập dã man mặc anh giải thích, anh Hưng bị thương nặng.

Hai người khác phát hiện việc đánh nhầm tới can ngăn cũng bị đánh. Sau đó Công an phường Kim Mã đã xác nhận người bị đánh không phải nghi can trộm xe mà là tổ trưởng bảo vệ dân phố thuộc phường Kim Mã.

Tổ trưởng bảo vệ dân phố bị đánh tới bất tỉnh.

Bi thảm hơn là trường hợp của anh Phạm Ngọc Nhung (26 tuổi, quê ở Nghệ An), sau khi mâu thuẫn về tiền bạc với ông Nguyễn Ngọc Ẩn (quận 1, TP.HCM) dẫn tới đánh nhau, Nhung chạy vào trường học gần đó để tránh bị Công an bắt, rồi leo qua nhà dân bên cạnh. Người dân thấy Nhung có biểu hiện lén lút nên cho là kẻ trộm và hô hoán khiến Nhung sợ, chạy nhanh hơn. Nghe tiếng hô, 2 người bảo vệ cửa hàng gần đó đã truy đuổiđánh đập khiến Nhung tử vong.

Những câu chuyện này cho thấy, xã hội đang bị mất niềm tin trầm trọng. Giữa con người với con người mà nhìn đâu cũng thấy tội lỗi, xấu xa, tăm tối.

Thế hệ của tôi, tôi còn nhớ những năm tháng chiến tranh rất đói khổ, nhưng mọi người luôn sẵn lòng giúp đỡ nhau, có thể nhường miếng ăn, chỗ ngủ dù không quen biết. Vậy mà nay, khi kinh tế phát triển, cuộc sống càng dư giả thì lòng tin và tình người lại càng tỉ lệ nghịch.

Vì đâu lòng tin lạc mất? Đó là câu hỏi day dứt trước những vụ việc cứ diễn ra như trên.

Là bởi lâu nay, những chuyện lừa dối, thậm chí hãm hại lẫn nhau vì tiền, rồi vấn nạn tiêu cực diễn ra nhan nhản khắp nơi, ở mọi tầng lớp, mà dường như ai cũng phải chứng kiến.

Chứng kiến qua chính cuộc sống thực, qua những vụ việc mà báo chí phản ánh hàng ngày. Sự dối trá phổ biến đến mức giờ đây, nhiều người không còn “dám” động lòng trước những người ăn xin lang thang, tật nguyền, bạo bệnh vì rất có thể đó là những “số phận giả” muốn lợi dụng lòng thương để kiếm tiền, thậm chí được tổ chức thành đường dây ăn xin để bóc lột trẻ em.

Những vụ việc dàn cảnh để cướp của; diễn những câu chuyện thương tâm để lừa gạt mọi người; bạn bè, họ hàng còn lừa nhau để bán ra nước ngoài... Sự lọc lừa trong cuộc sống càng ngày tinh vi khiến mọi người hoang mang vì không biết đâu là thật, là giả.

Những điều đó khiến lòng tin về cuộc sống bị đánh cắp, trở thành vết thương không liền sẹo, luôn nhức nhối trong trái tim nhiều người và lây lan nhanh như bệnh dịch trong xã hội.

Và, để đối phó, sự cảnh giác kiểu cực đoan và thái quá đã lên ngôi: Dùng dao nhọn dí vào cổ người phụ nữ đáng thương.

Cùng với sự vô cảm. Hậu quả là nhiều người tự cho phép mình hành xử không cần biết đến luật pháp, đạo đức và lương tâm.

Một hành vi lỡ bị nghi là kẻ trộm cũng bị đánh đến chết. Một người đến giúp đỡ nạn nhân cũng bị đánh chỉ vì đi chiếc xe giống xe bị mất. Một người phụ nữ không bình thường đi lang thang cũng có thể bị coi là “mẹ mìn”, bị khảo tra, dí dao vào cổ, quay clip làm nhục tung lên mạng, như ở một xã hội không có luật pháp. 

Hãy đặt giả thiết người nhà chúng ta vì lý do nào đó cũng bị đối xử bằng sự vô cảm, bất chấp luật pháp như thế, sẽ hiểu được sự nguy hiểm đến chừng nào.

Nhưng cái gốc của những hành động này vẫn chính là sự mất lòng tin giữa con người với con người. Thứ thuốc “đặc trị” vẫn phải là xây dựng một xã hội trong sạch, tuân thủ luật pháp, để chấm dứt cảnh “Người trên ở chẳng chính ngôi/Để cho người dưới chúng tôi hỗn hào”…

Theo Dân Việt

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu