16:53 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Đến năm 2030, Việt Nam dự kiến hoàn thành 5.000 km đường cao tốc

17:45 08/06/2021

(THPL) - Theo tin từ Bộ GTVT, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 1.163 km đường bộ cao tốc; dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn thành khoảng 916 km đang đầu tư, nâng tổng số đường bộ cao tốc trong cả nước lên 2.079 km, đến năm 2025 sẽ có khoảng 3.000 km và năm 2030 là 5.000 km.

Tuy nhiên, để có khoảng 5.000 km vào năm 2030, Bộ GTVT đặt ra mục tiêu hoàn thành hàng loạt tuyến cao tốc trong dự thảo Tờ trình phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030.

Theo báo Thanh niên, cụ thể, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đầu tư 5 tuyến cao tốc (Chợ Mới - Bắc Kạn, tuyến nối TP.Hà Giang với Nội Bài - Lào Cai, Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Phú Thọ - Chợ Bến). Vùng đồng bằng sông Hồng đầu tư đường vành đai 4, 5 - vùng Thủ đô. Vùng bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung sẽ làm tuyến cao tốc Vinh - Thanh Thủy.

Vùng Tây nguyên đầu tư 4 tuyến cao tốc (Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, Buôn Ma Thuột - Vân Phong, Quy Nhơn - Pleiku). Vùng Đông Nam bộ làm 8 tuyến đường bộ cao tốc (Dầu Giây - Tân Phú, Biên Hòa - Vũng Tàu, Chơn Thành - Đức Hòa, TP.HCM - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài, Gò Dầu - Xa Mát, vành đai 3, 4 - vùng TP.HCM).

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đầu tư 8 tuyến đường bộ cao tốc (Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề, Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ, Mỹ An -Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh, Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Hà Tiên - Rạch Giá, Hồng Ngự - Trà Vinh).

Dự kiến có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030 (ảnh minh họa)

Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu cơ bản kết nối thuận lợi, từng bước xóa bỏ các hạn chế về điều kiện địa lý giữa các vùng, miền, khu vực, cho phép rút ngắn thời gian đi lại cũng như thay đổi khái niệm về không gian giữa các địa phương.

Theo trang CafeF thông tin thêm, trước đó, tại cuộc họp Chính phủ về đường cao tốc gần nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cao vai trò của địa phương, nêu cao trách nhiệm và sự chủ động của tỉnh khi nêu quan điểm dứt khoát: “Dự án đi qua nơi nào, địa phương nơi đó là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các địa phương phải lo ngân sách, chịu trách nhiệm về khâu giải phóng mặt bằng cho các dự án”.

Cụ thể hoá chỉ đạo của Chính phủ trở nên hiệu quả, các cơ chế cần điều chỉnh để thông thoáng hơn. Đơn cử một số dự án đã được giao cho địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi (PreFS), thậm chí đã được phê duyệt chủ trương đầu tư đang bị chậm bởi những quy định của luật.

Dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh nối Lạng Sơn với Cao Bằng, dự án Tân Phú - Bảo Lộc nối Đồng Nai với Lâm Đồng. Mặc dù hai địa phương là Cao Bằng và Lâm Đồng đã rất quyết tâm, quyết liệt, sẵn sàng đầu tư vốn để sớm xây dựng tuyến đường nhưng vẫn bị kẹt lại bởi những quy định.

Hiện nay, theo Điều 6 Luật PPP, các dự án đường cao tốc thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương của Thủ tướng Chính phủ phải thành lập hội đồng thẩm định liên ngành để thẩm định báo cáo PreFS và báo cáo khả thi (FS). Hội đồng thẩm định sẽ thẩm định hai bước, một là để Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, hai là tiếp tục thẩm định để địa phương phê duyệt FS.

Liên quan đến vấn đề trên, báo Nhân dân đưa tin, thực tế, các bước thẩm định FS như vậy sẽ phát sinh nhiều thủ tục hành chính, kéo dài. Tại Hội nghị về các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư phát triển đường cao tốc theo hình thức PPP được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức mới đây để lắng nghe các ý kiến thẳng thắn của các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này, trong đó có ý kiến của các nhà đầu tư về thẩm quyền phê duyệt, thẩm định đối với các dự án đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư trước khi luật PPP có hiệu lực, hoặc các dự án đã được Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định bước chủ trương đầu tư trình Thủ tướng phê duyệt hiện nay ở bước phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi thì nên xem xét giao cho cơ quan có thẩm quyền là địa phương chịu trách nhiệm chủ trì thẩm định và phê duyệt.

Trong bối cảnh hiện nay, không có phương án nào tối ưu hơn việc đẩy mạnh xã hội hóa để triển khai xây dựng các công trình đường cao tốc theo hình thức PPP. Với một khối lượng công việc rất lớn, khoảng 3.800km cho khoảng thời gian chưa đầy 10 năm, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước phải có “cơ chế liên thông” từ T.Ư đến địa phương, từ địa phương đến doanh nghiệp và từ doanh nghiệp đến người dân thì mục tiêu 5.000km vào năm 2030 mới có thể hoàn thành.

Tuấn Kiệt (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu