04:32 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Đề xuất kiểm định xe theo số km gây nhiều ý kiến trái chiều

Thanh Mai (t/h) | 17:13 16/05/2023

(THPL) - Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu Cục Đăng kiểm lấy ý kiến chuyên gia về việc nên đăng kiểm ô tô theo thời gian hay theo số km sau những "lùm xùm" về đăng kiểm hiện nay.

Trước đó ngày 9/5, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT nghiên cứu chu kỳ kiểm định hợp lý đối với xe không kinh doanh vận tải, xe cá nhân và xe kinh doanh. Trong đó, Phó thủ tướng lưu ý nghiên cứu quy định chu kỳ kiểm định theo số kilomet (km) sử dụng.

Liên quan đến đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, giải pháp kiểm định theo số km đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý vì chủ xe có thể dùng công nghệ để can thiệp số km thực tế. “Thủ thuật tua công tơ mét trên xe không có gì khó và được áp dụng phổ biến hiện nay tại nhiều gara sửa chữa ô tô”, ông Quyền chia sẻ, đồng thời cho rằng “trước mắt vẫn nên thực hiện việc đăng kiểm theo chu kỳ thời gian”.

Vẫn theo ông Quyền, muốn áp dụng phương pháp này thì cần phải có giải pháp quản lý số km được báo trên đồng hồ xe một cách thực chất, chính xác. “Chúng ta đã có có đủ nền tảng công nghệ để nhận biết xe ô tô “gian lận” về số km hay chưa? Và khi đã phát hiện ra việc gian lận đó thì cần có chế tài xử lý như thế nào?”, chuyên gia vận tải tiếp tục đặt câu hỏi. Ông cũng cho biết, cơ quan quản lý cần sử dụng các giải pháp hiện đại thì mới quản lý được việc đăng kiểm ô tô theo chu kỳ km.

Nhiều chuyên gia lo ngại việc tính chu kỳ kiểm định xe theo số km rất khó khả thi. Ảnh minh hoạ

Trước tình trạng quá tải ở các đơn vị kiểm định trong thời gian qua, cũng có ý kiến cho rằng, để tránh vấn đề này thì xe công ty, xe của các cơ quan cần được chuyển qua các trung tâm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để quản lý đăng kiểm. Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, hoạt động kiểm định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trang thiết bị, dây chuyền khác nhau, không trùng khớp hoàn toàn với dây chuyền kiểm định của Bộ Giao thông Vận tải. Vì vậy, nếu để hoạt động kiểm định được đưa qua các cơ quan đó, cần có quá trình đàm phán điều chỉnh khá phức tạp. Hệ thống phần mềm quản lý chung toàn quốc cũng chưa kết nối với nhau. Vì vậy, trước mắt cần đồng bộ hệ thống quản lý. Mà điều này lại cần nhiều thời gian và công sức.

Còn theo chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Ôtô vận tải Việt Nam cho biết, nếu thực hiện được việc tính chu kỳ kiểm định theo km thì rất chính xác nhưng rất khó kiểm soát. “Việc tính chu kỳ kiểm định theo thời gian giúp cảnh sát giao thông dễ kiểm soát hơn nhờ vào tem kiểm định. Còn tính theo km, đăng kiểm viên phải kiểm tra đồng hồ xem đã đến thời gian kiểm định chưa. Tương tự, điều này cũng khó đối với lực lượng cảnh sát giao thông”, ông Thanh phân tích.

Mặt khác, chuyên gia cũng lo ngại tình trạng chủ phương tiên “gẩy”, “tua” đồng hồ. Hành vi này khá phổ biến với những trường hợp mua/bán xe cũ. Người bán chỉ cần chi trả khoản tiền nhỏ sẽ được thợ sửa ôtô tua số km xe đã chạy… như ý. Thậm chí, chỉ cần rút cảm biến công tơ mét thì lập tức đồng hồ đo km cũng sẽ dừng lại. “Việc quay ngược đồng hồ không khó khăn nên nếu áp dụng cách này theo tôi phải tính đến công cụ quản lý, giám sát, kiểm soát như thế nào?”, ông Thanh nêu.

Trong diễn biến liên quan, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ôtô (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng cho rằng: “Hiện chưa có chế tài, quy định nào để kiểm soát số km hiển thị trên ôtô. Điều này có thể dẫn đến tình trạng gian lận chu kỳ kiểm định thông qua việc điều chỉnh số km. Ngay cả nhà sản xuất ôtô cũng không thể kiểm soát được việc gian lận km xe chạy. Nếu đưa ra đề xuất này cần có chế tài kiểm tra để xác định được chính xác số km xe chạy nhằm hạn chế hoàn toàn việc gian lận trên, từ đó tránh tiêu cực đăng kiểm”, PGS. TS Phúc nhấn mạnh.

PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc cho rằng, chất lượng kỹ thuật phương tiện sẽ suy giảm theo cả 2 yếu tố: Số km vận hành và thời gian bảo quản. Do đó, không phải cứ ít đi, xe sẽ đảm bảo an toàn kỹ thuật. “Việc tính chu kỳ kiểm định theo thời gian như hiện nay là phù hợp cả về mặt quản lý và về mặt kỹ thuật. Tương tự như các nhà sản xuất ôtô hiện nay đều tính thời hạn phương tiện cần bảo hành, bảo dưỡng dựa trên 2 tiêu chí: Số km xe chạy hoặc thời gian sử dụng. Tiêu chí nào đến trước thì chủ xe đưa ôtô đi bảo hành thời điểm đó”, ông Phúc nêu.

Cũng liên quan đến đề xuất tính chu kỳ kiểm định xe theo số km, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu vấn đề này trước khi có báo cáo cuối cùng. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục nghiên cứu các mô hình tính chu kỳ kiểm định phương tiện tại các nước trên thế giới và chọn lọc để áp dụng thực tiễn ở Việt Nam sao cho phù hợp với điều kiện trong nước theo từng thời kỳ.

Thanh Mai (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu