07:14 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Dạy con nói "không" và đừng do dự trước những lời rủ rê sử dụng ma túy

PV | 09:38 16/07/2021

(THPL) - Cha mẹ hãy hướng dẫn con, rất có thể vào một lúc nào đó con sẽ bị bạn bè rủ rê sử dụng ma túy, khi ấy hãy cứng rắn nói “không” và đừng do dự bởi thái độ do dự sẽ để ngỏ cánh cửa cho ma túy tấn công con bất cứ lúc nào.

Gần đây, một số vụ việc như bốn học sinh THPT ở Hải Dương tẩm ma túy vào thuốc lào rồi dùng điếu cày để hút, hay việc “nữ quái” Lâm Đồng trộn cần sa vào trà sữa bán cho học sinh, sinh viên… là những minh chứng rõ rệt nhất cho thấy ma túy đang “xâm nhập” vào trường học bằng nhiều cách khác nhau. Dưới các “tên gọi mỹ miều”, ma túy đã và đang “len lỏi” vào trong tầng lớp học sinh, sinh viên.

Để hạn chế tình trạng ngày càng nhiều thanh thiếu niên sa vào tệ nạn ma túy và trở thành tội phạm ma túy cần đến sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, sợi dây gắn bó, sự giáo dục tốt từ phía gia đình và những người thân yêu là một trong những yếu tố giúp thế hệ trẻ, đặc biệt là các em học sinh chống lại mọi ảnh hưởng của ma túy. Nói cách khác, gia đình chính là thành trì kiên cố và vững chắc ngăn ma túy xâm nhập và tấn công con/em mình.

Trong cuộc sống thường ngày, cha mẹ đừng quá mải mê vào công việc hay tự giam mình trong vòng luẩn quẩn những mâu thuẫn, bất hòa với đồng nghiệp mà quên mất rằng con cái mình cũng cần được quan tâm, chăm sóc và giáo dục. Để trở thành tấm khiên bảo vệ con trước hiểm họa ma túy, việc làm cần thiết là cha mẹ phải nâng cao nhận thức phòng, chống ma túy cho chính bản thân mình, đặc biệt là phải trang bị cho bản thân những kỹ năng giúp con chống lại sự cám dỗ của ma túy.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giới thiệu tới cộng đồng Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” do Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) biên soạn
Ngoài việc cung cấp cho cha mẹ những thông tin đầy đủ, dễ đọc, dễ hiểu về ma túy, cuốn tài liệu này còn trang bị cho cha mẹ những kỹ năng cơ bản trong việc hướng dẫn, hỗ trợ con/em phòng chống ma túy,

Điều này là không khó khi mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giới thiệu tới cộng đồng Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” do Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) biên soạn. Bộ tài liệu ra đời như một công cụ, giải pháp căn cơ và hữu hiệu giúp nâng cao nhận thức phòng, chống ma túy cho cộng đồng, trong đó có các bậc phụ huynh.

Trong 4 cuốn của Bộ tài liệu này có một cuốn dành riêng cho các bậc phụ huynh đó là “Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh”. Ngoài việc cung cấp cho cha mẹ những thông tin đầy đủ, dễ đọc, dễ hiểu về ma túy, cuốn tài liệu này còn trang bị cho cha mẹ những kỹ năng cơ bản trong việc hướng dẫn, hỗ trợ con/em phòng chống ma túy, trong đó có kỹ năng giúp con chống lại sự cám dỗ của ma túy.

Cụ thể, cha mẹ phải đặt mục tiêu và khuyến khích con đạt được mục tiêu đã đề ra. Nếu con có mục tiêu trong cuộc sống (được cha mẹ ủng hộ), các con sẽ có ít nguy cơ sử dụng ma túy, bởi mục tiêu là điều kiện để khuyến khích các con suy nghĩ về những điều cha mẹ mong muốn, là điều cần thiết để dẫn các con tới đích. Việc đặt ra mục tiêu cũng sẽ giúp các con thêm phần tự tin, khi đã tự tin vào bản thân các con sẽ ít có khả năng bị bạn bè lôi kéo, sử dụng ma túy.

Tiếp theo, cha mẹ nên dành nhiều thời gian bên con. Hãy lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của con, gỡ rối những nút thắt đang đè nén và tạo áp lực cho con bởi lẽ sức ép có thể thôi thúc các con sử dụng ma túy để cảm thấy “thoải mái” và “giải tỏa căng thẳng” hơn.  Sự quan tâm, những lời khuyên chân thành, sự hỗ trợ từ phía cha mẹ chính là nguồn động lực và sức mạnh để con chống lại cám dỗ của ma túy.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên khuyến khích, động viên con tham gia các hoạt động mà con yêu thích cùng với bạn bè, cùng con chơi những game hấp dẫn và bổ ích, tạo cho con tuổi thơ đẹp đẽ mà đáng lẽ ra con phải có thay vì những giờ học nhàm chán, ép mình bên sách vở suốt nhiều tiếng đồng hồ. Điều này sẽ khiến con cảm thấy vui và tìm được ý nghĩa của cuộc sống, đó là cách tốt nhất ngăn ma túy đến với con.

Đồng thời, cha mẹ cũng đừng quên dặn con nói “không” và đừng do dự khi bị rủ rê sử dụng ma túy, phải biết dừng lại trước khi bắt đầu. Hãy hướng dẫn con, rất có thể vào một lúc nào đó con sẽ bị bạn bè rủ rê sử dụng ma túy, khi ấy hãy cứng rắn nói “không” và đừng do dự bởi thái độ do dự sẽ để ngỏ cánh cửa cho ma túy tấn công con bất cứ lúc nào.

Nếu con lo sợ rằng khi nói “không” bạn bè sẽ buồn và “nghỉ chơi” với con bất cứ lúc nào, cha mẹ hãy giải thích cho con hiểu rằng những người bạn tốt sẽ tôn trọng khi con từ chối sử dụng ma túy và sẽ không ép con làm điều mà con không muốn.

Nếu bạn bè của con đang sử dụng ma túy, hãy khuyên con tránh xa họ và tìm những người bạn mới bởi lẽ khi đang ở trong độ tuổi vị thành niên các con dễ đua đòi theo chúng bạn, nhất là trong việc sử dụng ma túy.

Nếu thấy nguy cơ sử dụng ma túy trong một buổi tiệc nào đó mà con chuẩn bị tham dự, cha mẹ hãy dặn con nên cẩn thận và rời khỏi nơi đó ngay lập tức nếu cảm thấy không an toàn. Trong trường hợp con ở lại, áp lực từ bạn bè cùng với sự cám dỗ của các chất kích thích khác (rượu, bia, thuốc lá…) có thể khiến con bạn mềm lòng, khó từ chối.

Nhiều năm qua Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đã tiến hành nghiên cứu, phát triển và biên soạn bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy”. Sau 5 năm “thai nghén”, đến nay bộ tài liệu cơ bản đã được hoàn thiện và bảo vệ thành công  trước hội đồng thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ sách gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông, Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu