05:18 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Phú Yên: Đất gia tộc để lại làm nơi thờ cúng, tòa án vẫn tuyên chia thừa kế

17:38 22/11/2023

(THPL) - Mảnh đất đã được cấp sổ đỏ cho một cá nhân trong dòng họ dựa trên biên bản họp gia tộc để làm nơi thờ cúng tổ tiên, người khởi kiện tại thời điểm dự kiến mở phiên toà sơ thẩm đã chết, nhưng Toà án nhân dân thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên lại coi đây là di sản thừa kế và tuyên chia mảnh đất làm đôi…

Theo đơn trình bày của ông Trần Kỳ Tuấn (trú tại tổ 9, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội), ngày 14/1/2009, ông đã được UBND thị xã Sông Cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI07791 cho thửa đất số 181, tờ bản đồ số 159ĐC, diện tích đất 1.826,2m2 tại khu phố Long Bình, thị trấn Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, mà bà Trần Thị Bích Sang (đã mất năm 2021) đang yêu cầu chia thừa kế.

Việc chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông dựa trên cơ sở “Biên bản họp gia đình họ Trần, phái cụ cố Trần Kỳ Tùng” vào ngày 4/3/2007, trong đó, những người có mặt thuộc diện thừa kế của ông Trần Kỳ Tùng (chủ tài sản), gồm: Bà Huỳnh Thị Xảo (vợ của ông Trần Kỳ Tùng), ông Trần Kỳ Doanh (con trai trưởng của ông Trần Kỳ Tùng), bà Trần Thị Bích Sang (con gái của ông Trần Kỳ Tùng) và ông Tuấn (cháu nội đích tôn của ông Trần Kỳ Tùng). Tại cuộc họp, bà Huỳnh Thị Xảo, ông Trần Kỳ Doanh và bà Trần Thị Bích Sang đều cho biết đã già yếu, không còn sức khoẻ để trông coi quản lý đất và vườn nói trên, thống nhất giao lại cho cháu nội đích tôn là ông Trần Kỳ Tuấn “thừa kế chấp thủ, đứng tên đăng ký làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng lại nhà thờ riêng của họ Trần Kỳ Tùng và lo cúng kị ông bà hằng năm”.

Một phần nội dung bản án số 14/1013 về việc tranh chấp tài sản.

Như vậy, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được UBND thị xã Sông Cầu - tỉnh Phú Yên cấp, chính quyền đã công nhận hai điều: Thứ nhất, ông Trần Kỳ Tuấn là người sử dụng đất hợp pháp, được pháp luật công nhận.

Thứ hai, mảnh đất này là đất họ tộc giao, trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi rõ “Đất do họ tộc giao, không được chuyển nhượng và thế chấp”. Nhưng khi ông Tuấn thực hiện nghĩa vụ đó (xin sửa chữa nhà thờ cũ, xây nhà thờ mới) thì bị ông Nguyễn Đình Huy (con của bà Trần Thị Bích Sang) đứng ra ngăn cản. Ông Huy cho rằng mình có quyền thừa kế phần tài sản của mẹ ông theo giấy ủy quyền mà bà Trần Thị Bích Sang đã viết cho ông.

Tại Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng”.

Theo biên bản họp gia tộc năm 2007, bà Trần Thị Bích Sang đã đồng ý giao cho ông Tuấn quản lý phần di sản của họ tộc. Như vậy, bà Sang không có quyền đòi thừa kế đối với di sản nêu trên. Mặt khác, trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi rõ “Đất do họ tộc giao, không được chuyển nhượng và thế chấp”. Như vậy, khi nảy sinh yêu cầu chia di sản thừa kế thì phải có ý kiến của họ tộc, phải được toàn bộ họ tộc thống nhất. Thêm vào đó, giấy ủy quyền để đòi chia thừa kế mà bà Sang đã ký cho ông Huy lúc đang ốm nặng đến nay không còn giá trị nữa vì bà Sang đã chết trước khi Toà án cấp sơ thẩm dự kiến mở phiên tòa. Do đó, ông Tuấn cho rằng việc Toà án nhân dân thị xã Sông Cầu đưa ông vào vụ án này với vai trò “bị đơn” là không đúng pháp luật.

Nhận định của toà án về việc tranh chấp tài sản trên.

Cũng theo pháp luật, đối với đất tộc họ giao dành cho việc thờ cúng, nếu muốn đem chia thừa kế, thì toàn bộ các suất đinh trong tộc họ phải đồng ý chia. Phía bị đơn cho rằng, bà Sang là con gái ông Trần Kỳ Tùng, là phụ nữ, đã đi lấy chồng, nên không có suất đinh, do đó, việc bà đòi quyền thừa kế trong di sản tộc họ này là không phù hợp. Hơn thế nữa, trong thời gian từ năm 2007 tới nay (từ lúc mảnh đất được giao cho ông Tuấn quản lý), bà Sang cùng con cháu bà không tham gia đóng góp tôn tạo phần mộ hay nhà thờ dòng tộc, hay tham gia thực hiện bất cứ nghĩa vụ tài chính nào liên quan đến mảnh đất này, tới năm 2020, bà Sang lại đòi chia thừa kế là việc vô lý.

Tại phiên toà sơ thẩm, ông Trần Kỳ Tuấn cũng đề nghị được tính đúng, tính đủ giá trị, công sức của những người đóng góp cho khối tài sản ông Trần Kỳ Tùng để lại, gồm công chăm sóc, tôn tạo và giữ gìn tài sản của dòng tộc của bà Huỳnh Thị Xảo từ năm bà lấy ông Tùng cho đến khi ông Trần Kỳ Doanh công tác từ miền Bắc trở về Nam nhận lại tài sản; công chăm sóc, giữ gìn tài sản của ông Trần Kỳ Doanh từ khi ông từ miền Bắc trở về quê sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước (toàn bộ giấy tờ khai thuế bộ, đóng thuế đất đều đứng tên ông Doanh); công chăm sóc, giữ gìn, tôn tạo tài sản của ông Tuấn kể từ khi được họ tộc giao và đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đã thực hiện toàn bộ các nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định của pháp luật liên quan đến quyền sử dụng đất và hằng năm đều chăm lo cúng bái, chăm sóc, duy tu phần mộ họ tộc)…

Tuy nhiên, trong các ngày 05 và 06/07/2023, Tòa án nhân dân thị xã Sông Cầu - Tỉnh Phú Yên đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án dân sự thụ lý số 72/2020/TLST-DS ngày 21/8/2020 về việc Tranh chấp di sản thừa kế, dựa theo đơn khởi kiện của nguyên đơn là bà Trần Thị Bích Sang, uỷ quyền cho ông Trần Đình Huy làm đại diện. Ngày 06/07/2023, Toà án nhân dân thị xã Sông Cầu đã tuyên bản án số 14/2023/DS-ST, trong đó chấp nhận yêu cầu khởi kiện của những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của bà Trần Thị Bích Sang do ông Trần Đình Huy làm đại diện, yêu cầu chia di sản thừa kế là diện tích đất 1.826,2m2. Toà cũng bác yêu cầu của bị đơn là ông Trần Kỳ Tuấn, người đại diện cho bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đứng về phía bị đơn không đồng ý chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với diện tích đất nói trên. Do những người thừa kế của cụ Trần Kỳ Tùng gồm bà Trần Thị Bích Sang và ông Trần Kỳ Doanh đã chết nên Toà đã tuyên giao cho những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của bà Sang và ông Doanh nhận, trong đó mỗi bên nhận một nửa diện tích đất, tương ứng 913,1m2; không tính phần công sức tôn tạo, quản lý của ông Trần Kỳ Tuấn.

Sau khi Toà án sơ thẩm tuyên án, ông Tuấn đã có đơn kháng cáo gửi Toà án nhân dân tỉnh Phú Yên, kháng nghị bản án sơ thẩm thiếu khách quan; áp dụng các quy định của pháp luật thiếu căn cứ; nhận định đánh giá chứng cứ, lời khai trong vụ án không phù hợp với tình tiết, lời khai tại phiên tòa. Ngoài ra, việc xét xử còn vi phạm thủ tục tố tụng về thẩm quyền xét xử, không tiến hành xác minh thông tin của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án...

Dư luận đang mong chờ một bản án khách quan, công tâm  từ cấp phúc thẩm Toà án nhân dân tỉnh Phú Yên.

Pv

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu