17:39 ngày 03/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Cục QLTT Đắk Lắk tăng cường kiểm tra, đảm bảo ATTP sau vụ giá đỗ ngâm chất cấm

16:43 31/12/2024

(THPL) - Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch kiểm tra cao điểm trước, trong và sau Tết, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như rượu, bia, đường, sữa, lương thực, thực phẩm, nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa phục vụ người dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa.

Ngay sau vụ việc Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện và thu giữ hơn 20,3 tấn giá đỗ ngâm chất cấm, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đã triển khai các biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Cụ thể, ông Vương Minh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, do đó việc đảm bảo an toàn thực phẩm trở nên cấp thiết. Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch kiểm tra cao điểm trước, trong và sau Tết, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như rượu, bia, đường, sữa, lương thực, thực phẩm, nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa phục vụ người dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa.

Lực lượng Quản lý thị trường cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và các cơ sở kinh doanh về an toàn thực phẩm; kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm, đảm bảo thị trường ổn định, lành mạnh trong dịp Tết.

Người dân được khuyến cáo nâng cao ý thức, lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, và thông báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện các trường hợp vi phạm.

Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất giá đỗ ở Đắk Lắk. Ảnh: NLĐ

Trước đó Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Đắk Lắk) đã triệt phá nhiều cơ sở dùng hóa chất độc hại để sản xuất giá đỗ bán ra thị trường. Trong đó, có 2 cơ sở của đối tượng Lâm Văn Đạo (SN 1990, trú tại xã Ea Tu, Tp.Buôn Ma Thuột), 2 cơ sở của đối tượng Vũ Duy Tư (SN 1991), 1 cơ sở của Nguyễn Văn Quynh (SN 1973) và 1 cơ sở của Nguyễn Văn Hảo (SN 1988) cùng ở phường Tân Hòa (Tp.Buôn Ma Thuột).

Các đối tượng khai nhận, trong quá trình sản xuất giá đỗ đã sử dụng vôi cục, nước giếng và một loại chất lỏng không màu, mà nhóm này thường trao đổi tiếng lóng với nhau qua mạng là nước "kẹo". Nước "kẹo" thực chất là hoạt chất 6-Benzylaminopurine, không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Thế nhưng nhóm đối tượng nói trên vẫn thường xuyên dùng ngâm ủ làm giá đỗ, với mục đích làm cho rễ cây giá ngắn lại để tập trung dưỡng chất phát triển cho thân cây giá to, mập, tăng trọng lượng và có hình thức đẹp.

Các đối tượng khai nhận, trong năm 2024 đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ ngâm chất cấm, trung bình từ 8 - 10 tấn/ngày. Đáng chú ý, một số cơ sở còn ký hợp đồng cung cấp giá đỗ cho siêu thị với số lượng từ 350 - 400 kg/ngày.

Ngay sau đó, cơ quan công an đã quyết định khởi tố 4 vụ án, khởi tố, bắt tạm giam 4 đối tượng nói trên về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Liên quan đến vụ việc trên, sáng 30/12, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh và UBND Tp.Buôn Ma Thuột liên quan đến vụ việc giá đỗ ngâm chất cấm.

Tại văn bản chỉ đạo, UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh, UBND Tp.Buôn Ma Thuột và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh nội dung báo chí nêu. Đồng thời, báo cáo hoạt động quản lý an toàn thực phẩm đối với 6 cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất cấm (ngoài danh mục được phép sử dụng); công tác điều tra, truy xuất, triệu hồi và kết quả thực hiện đến thời điểm hiện nay.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo trên địa bàn tỉnh đã cấp được bao nhiêu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh giá đỗ. Giải pháp để quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh giá đỗ trong thời gian đến để kịp thời chấn chỉnh nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý an toàn thực phẩm tại tỉnh Đắk Lắk. Từ đó, báo cáo tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý trước ngày 2/1/2025.

Trong diễn biến liên quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã có công văn đề nghị Thanh tra Sở Nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giá đỗ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm theo quy định.

Các đơn vị cần quản lý chặt việc kinh doanh, sử dụng các thuốc xử lý hạt, kích thích, điều hòa sinh trưởng trong sản xuất giá đỗ; xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, buôn bán, sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam; tăng cường công tác tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất giá đỗ, rau mầm nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm, nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật và các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, các đơn vị cần quan tâm khuyến cáo, hướng dẫn người sản xuất không sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu