18:21 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Coteccons tung hàng trăm tỷ đồng cứu giá, cổ phiếu vẫn giảm mạnh

09:27 03/04/2019

(THPL) - Tháng ngày “ngọt ngào” của nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu CTD của Coteccons trong nhiều năm qua đã rời xa. Để chặn đà lao dốc, Coteccons tung hàng trăm tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ nhằm cứu giá cổ phiếu nhưng thương vụ này không những không cứu được giá mà còn khiến CTD tiếp tục giảm sâu.

Liên tiếp chinh phục đỉnh cao

Những năm gần đây, CTCP Xây dựng Coteccons liên tục đánh dấu những cột mốc quan trọng để khẳng định vị thế là nhà thầu số 1 Việt Nam khi xây dựng và quản lý các dự án mang đẳng cấp quốc tế.

Tháng 3/2018, Coteccons cất nốc dự án tòa nhà cao nhất Việt Nam The Landmark 81 tầng cao 461m ở bên sông Sài Gòn, TP.HCM. Tại dự án này, Coteccons giành quyền thi công kết cấu phần hầm và thân tòa nhà có tổng diện tích sàn xây dựng lên tới 203.829 m2, diện tích hầm 90.000 m2, sử dụng hơn 170.000 m3 bê tông, 80.000 tấn thép.

Cũng trong năm 2018, tại miền Bắc, Coteccons bàn giao toàn bộ 12 xưởng trên tổng diện tích sàn rộng 50ha của dự án Vinfast - dự án nhà máy ô tô, xe máy điện đầu tiên mang thương hiệu Việt. Tại miền Trung, Coteccons đảm nhận xây dựng công trình nhà máy khu liên hợp gang thép Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát.

Coteccons đang giữ vị trí nhà thầu số 1 Việt Nam với lực lượng lao động lên tới 40.000 công nhân trải dài từ Nam ra Bắc. Hiện nay, công ty đang thực hiện khoảng 50 dự án trên cả nước với các công trình từ nhà ở, trung tâm thương mại và văn phòng, khách sạn và khu nghỉ dưỡng, xây dựng công nghiệp.

Tại thời điểm 31/12/2018, công ty có vốn điều lệ 784 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu lên tới 7.962 tỷ đồng, tổng tài sản 16.823 tỷ đồng. Điều này, giúp giá trị sổ sách (book value) của mỗi cổ phiếu lên tới 101.621 đồng/cổ phiếu, cao trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngoài ra, tiền mặt và tiền gửi tại ngân hàng lên tới 4.460 tỷ đồng, tính ra mỗi cổ phiếu sở hữu tới 56.919 đồng tiền mặt.

Sau đỉnh là gì?

Tăng trưởng của Coteccons đã bắt đầu chậm lại trong năm 2018. (ĐVT: tỷ đồng)

Sau dự án tòa nhà cao nhất Việt Nam, Coteccons cần chinh phục những đỉnh cao hơn để tiếp tục duy trì vị thế nhà thầu số 1 Việt Nam. Thời gian tới, thị trường xây dựng Việt Nam chưa lộ diện dự án nào soán ngôi vương của The Landmark 81 và nếu có, chắc gì Coteccons sẽ trúng thầu.

Giai đoạn 2013-2017, tốc độ tăng trưởng của Coteccons luôn đạt trên 20%, có năm đạt trên 70%. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh bắt đầu tuột dốc vào năm 2018 khi doanh thu tăng 5,1% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 8,65% so với năm 2017. Nguyên nhân chính là tỷ suất lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 7,4% giảm còn 6,4%. Những khách hàng trọng điểm chiếm tỷ trọng khá lớn trong các dự án của công ty đã gia tăng ưu thế đàm phán khiến Coteccons khó có thể có được các hợp đồng mới với những điều khoản tốt hơn.

Đánh giá về Coteccons, CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng: Sự đóng góp từ mảng xây dựng công trình công nghiệp tăng mạnh (chiếm 28% tổng doanh thu) nhưng dự án bất động sản nhà ở vẫn tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn nhất 47%. Mảng xây dựng công nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp còn mảng xây dựng dân dụng cao cấp có tính chu kỳ rất cao.

Điểm sáng tích cực trong thời gian tới là 3 dự án Vincity của Vingroup ở Hà Nội và TP.HCM với giá trị trúng thầu khoảng 7.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lợi nhuận chính của Coteccons trong 18-24 tháng tới nhưng Vincity có tỷ suất lợi nhuận thấp, dao động từ 5-6%.

Cổ phiếu CTD thoái trào?

Biến động cổ phiếu CTD của Coteccons từ tháng 10/2017 đến nay.

Song song với quá trình trở thành nhà thầu số 1 Việt Nam, từ năm 2013-2017, cổ phiếu CTD của Coteccons đã có bước tiến tăng thần tốc. Trong khoảng thời gian đó, CTD đã tăng 13 lần và đạt đỉnh 239.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 14/11/2017, giúp vốn hóa công ty đạt 18.292 tỷ đồng.

Trước đà tăng giá khủng khiếp của CTD, cuối năm 2017, một kỹ sư của Coteccons có quyết định táo bạo, bán căn nhà của mình đang ở để dồn tiền mua cổ phiếu CTD với niềm tin: Công ty sắp cất nóc tòa nhà cao nhất Việt Nam, giá trị hợp đồng được dự báo tăng đều trong các năm tiếp theo.

Người tính không bằng thị trường chứng khoán tính. Sau đó, CTD rớt giá không phanh, giảm hơn 50% bất chấp VN-Index có chuỗi ngày tăng giá mạnh. Đóng cửa ngày 25/5/2018, CTD chỉ còn 122.000 đồng/cổ phiếu khiến vốn hóa bị thổi bay 8.752 tỷ đồng. Người kỹ sư làm việc tại Coteccons có xử dụng margin nên ngôi nhà đã “banh xác” theo tiếng gọi của cổ phiếu CTD.

Cổ phiếu giảm sâu, Coteccons thông báo từ ngày 12/12/2018-10/1/2019, công ty sẽ mua 3,8 triệu cổ phiếu quỹ với giá 140.000 - 180.000 đồng/cổ phiếu. Cuối cùng, Coteccons chỉ mua được 2.717.840 cổ phiếu với giá bình quân 159.154 đồng/cổ phiếu, trị giá 433 tỷ đồng.

Đến 2/4, CTD chỉ còn 142.500 đồng/cổ phiếu nên mục đích mua cổ phiếu quỹ nhằm bình ổn giá cổ phiếu, gia tăng giá trị cho cổ đông trở nên thiếu thực tế khi giá trị bị “bốc hơi” 47 tỷ đồng.

Dòng tín dụng vào thị trường bất động sản bị siết mạnh, nhiều dự án bị chậm triển khai vì các thủ tục liên quan đến chính sách quản lý tài nguyên đất đai và sự bão hòa của chu kỳ xây dựng khiến thị trường nhà ở cao cấp, trung cấp gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của Coteccons trong tương lai.

Chính điều này, ban lãnh đạo công ty đặt kế hoạch năm nay với doanh thu 27.000 tỷ đồng, giảm 5,47%; lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ 1.300 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước.

Từ khi cổ phiếu CTD đạt đỉnh đến nay, dòng tiền vào cổ phiếu ngành bất động sản và ngành xây dựng suy yếu mạnh nên việc “mua cổ phiếu CTD tại thời điểm này là khá rủi ro trong bối cảnh Coteccons đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận điều giảm so với năm 2018”, một chuyên gia chứng khoán nhận định.

Nguyễn Hoàng

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu