11:34 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Công ty đa cấp Unicity Việt Nam: Liệu có trốn thuế và chiếm đoạt tài sản của nhà phân phối?

09:08 22/12/2019

(THPL) - Vin cớ vào những sự “bất hợp lý” tự nghĩ ra, công ty đa cấp Unicity Việt Nam (gọi tắt Unicity VN) đang cố tình từ chối chi trả những khoản hoa hồng mà đại lý cấp dưới có quyền thụ hưởng. Nguy hiểm hơn, một khoản lớn tiền thuế của đại lý các cấp trong nhiều năm đang không rõ “đi đâu” và liệu ngân sách nhà nước sẽ thất thu từ sự thiếu minh bạch ấy?

Khi mã số đại lý trở nên khổng lồ….

Nói đến tài sản, mọi người thường nghĩ đến đất đai, cổ phiếu, nhưng với tất cả các cá nhân tham gia vào một mạng lưới kinh doanh đa cấp thì mã số kinh doanh của họ là một tài sản. Bởi khi tham gia vào một mạng lưới đa cấp, mỗi cá nhân sẽ được cấp 1 mã số đại lý của riêng mình. Mã số này chính là mã số để xác định kết quả kinh doanh cũng như để nhận hoa hồng đại lý. Và sự hấp dẫn của tài sản này được các đơn vị đa cấp nói rằng: đó là nguồn thu nhập thụ động mà sau này nhà phân phối có thể “nghỉ hưu” mà vẫn nhận được tiền hoa hồng đều đặn, sau khi xây dựng được 1 mạng lưới những người tiêu dùng đủ lớn.

Thêm vào đó,  mã số này nhà phân phối có thể thừa kế hay chuyển nhượng cho người khác, đặc biệt là người thân trong gia đình nếu nhà phân phối có nhu cầu hoặc qua đời.

Với mã số kinh doanh của nhà phân phối Nguyễn Ngọc Dung, một nhà phân phối đã đạt đến danh hiệu President Director, hiện tại mỗi tháng đang sinh ra hàng trăm triệu đồng (trung bình hơn 300 triệu đồng/tháng) thì tương đương với 1 khối tài sản khổng lồ.  

Nhà phân phối đã đạt đến danh hiệu President Director

Khi tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp, tất cả mọi người đều xây dựng mã số kinh doanh từ con số 0 và xây dựng từng tuyến dưới, và để có được 1 mạng lưới thì rất nhiều người không chỉ đơn thuần là đầu tư 1 mã số mà còn phải đầu tư rất nhiều chi phí học tập, phát triển hệ thống.

Tại sao việc được cấp mã số, mà theo quy định của pháp luật về kinh doanh đa cấp là tự nguyện, lại là việc đầu tư? Đây chính là vấn đề mà nhà phân phối Dung đang phải “đối mặt” với Unicity VN.

Theo nhà phân phối Dung chia sẻ với phóng viên của Thương hiệu và Pháp Luật, sau khi ký hợp đồng làm nhà phân phối của Unicity VN và có được mã số kinh doanh vào tháng 11/2014,  cho đến nay, tháng nào nhà phân phối Dung cũng hoàn thành chỉ tiêu mua hàng từ 8 đến 10 triệu vào mã số cá nhân theo điều kiện của Unicity VN để nhận hoa hồng, và tất nhiên để có được hoa hồng thì phải xây dựng được mạng lưới đủ lớn. Mã số cá nhân của nhà phân phối Dung chính là tài sản được đầu tư bằng tiền, bằng sức lao động và phát triển hệ thống tuyến dưới của mình.

Nhà phân phối Nguyễn Ngọc Dung

“Tôi đã đi Thái Lan học tập hàng tháng và đã xây dựng đội nhóm bên dưới đủ khỏe. Đến nay, tổ chức bên dưới của tôi hiện tại là 1 trong những tổ chức lớn nhất nhì tại Unicity VN, và có doanh số đến hàng chục tỷ đồng mỗi tháng”, nhà phân phối Dung nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một tài sản được đầu tư thời gian dài như thế đang bị công ty đa cấp Unicity VN “coi như trò đùa” và liên tục thay đổi chính sách để hạn chế về quyền được quản lý, sở hữu hay chuyển nhượng tài sản.

Cụ thể, theo nhà phân phối Dung, hiện tại bà xã cũng là một nhà phân phối lớn bậc nhất của Unicity VN, thậm chí là nhà phân phối đứng đầu khu vực Châu Á của công ty Uncity toàn cầu. Hiện nay, không có quy định pháp lý nào trong kinh doanh đa cấp, và cả những quy định trong hợp đồng của Unicity VN kí với các nhà phân phối, là những người đứng đầu các đội nhóm phân phối không được có tình cảm với nhau, không được có hôn nhân với nhau. Song, Unicity VN lại “vin ngầm” vào cái cớ nhà phân phối Dung và vợ “thông đồng phân phối”, để rồi tìm mọi cách loại nhà phân phối Dung ra khỏi hệ thống. Thậm chí Unicity còn đơn phương đóng băng mã số của nhà phân phối Dung, chặn thu nhập của nhà phân phối thông qua hoa hồng thụ hưởng.

“Không những vin cớ vào việc hai người đứng đầu có hôn nhân, Unicity còn tạo dựng lên câu chuyện kỷ luật, ngoài cắt mã số kinh doanh, đồng thời bôi nhọ danh dự. Khi tôi lên tiếng kiến nghị, người đại diện công ty đã tảng lờ. Thậm chí, đội nhóm của tôi vẫn phát triển, nhưng họ tìm đủ mọi cách để ngăn chặn không cho tôi tiếp tục phát triển. Khi tôi muốn chuyển mã số cho mẹ tôi, Unicity đã hành đủ đường, thậm chí thay đổi quy định kinh doanh riêng của công ty khiến tôi không thể chuyển nhượng được mã số cho mẹ mình theo quy định của pháp luật”.

Việc Unicity VN tự ý cắt mã số của nhà phân phối không phải chỉ xảy ra với một mình nhà phân phối Dung. Theo tìm hiểu của PV, một nhà phân phối (xin được giấu tên do sự đề nghị của chủ thể) có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi tháng, đã bị Unicity Việt Nam tự ý, đơn phương cắt mã số với lý do “bình luận không tích cực về công ty trên mạng xã hội”.

“Rất nhiều trường hợp công ty cắt mã số của nhà phân phối với những lí do không rõ ràng. Một sự chiếm đoạt tài sản hay còn nguyên do nào khác? Unicity VN chưa bao giờ lý giải”, một nhà phân phối khác cho biết.

Không có mã số thuế cá nhân, nhà nước thất thu khoản “khủng”?

Mỗi cá nhân, tổ chức, khi kinh doanh có lợi nhuận thì phải nộp thuế cho Nhà Nước. Với các tổ chức kinh tế, việc nộp thuế được bộ phận kế toán tính toán theo báo cáo kết quả kinh doanh để nộp thuế vào ngân sách. Còn với các cá nhân có thu nhập cao hơn mức bình quân phải đóng thuế theo quy định của Luật Quản lý Thuế, thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân thông qua các tổ chức chi trả thu nhập.

Với Unicity VN, các nhà phân phối hàng tháng luôn bị khấu trừ 5% thu nhập với lý do để công ty này đóng thuế thu nhập cá nhân cho họ. Như vậy, với khoản đóng thuế từ năm 2014 đến nay, với số “tiền lương” lên tới hàng trăm triệu, số tiền nhà phân phối Dung đóng thuế không hề ít và tất nhiên ông buộc phải có một mã số thuế cho riêng mình. Điều trớ trêu, sau khi tìm hiểu liên quan đến việc tạm dựng mã số kể trên, nhà phân phối Dung phát hiện ra mình không hề có mã số thuế cá nhân.

Với Unicity VN, các nhà phân phối hàng tháng luôn bị khấu trừ 5% thu nhập 

“Gần đây tôi phát hiện ra, tôi không có mã số thuế cá nhân trong suốt thời gian làm nhà phân phối cho Unicity VN. Vậy mà hàng tháng,  công ty vẫn trích 5% hoa hồng của tôi để nộp thuế. Vậy số tiền thuế đó đi về đâu? Nộp bằng mã số của ai? Có đóng góp cho Nhà nước thật hay không?”, nhà phân phối Dung bức xúc cho biết

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DNL, Tổng cục thuế, đồng thời là một chuyên gia lâu năm của Bộ Tài chính về thuế TNCN, thì mã số thuế (MST) cá nhân của mỗi người phải được người đó đăng ký với cơ quan thuế. Nếu đăng ký thông qua đơn đơn vị chi trả thu nhập, thì bản thân mỗi cá nhân cũng phải được biết mã số thuế cá nhân của chính mình.

“Theo quy định của Pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, mỗi cá nhân có phát sinh nghĩa vụ thuế TNCN sẽ được cơ quan thuế cấp 1 MST cá nhân. Để có MST thì cá nhân có thể trực tiếp đăng ký tại cơ quan thuế. Hoặc nếu đóng thuế thông qua đơn vị chi trả thu nhập, thì đơn vị chi trả thu nhập cho cá nhân đó sẽ làm thủ tục đăng ký để cơ quan thuế cấp MST. Và khi đó đơn vị chi trả thu nhập phải thông báo cho cá nhân biết. Mã số thuế cá nhân là là 01 mã số thuế duy nhất của mỗi cá nhân với mục đích kê khai để nộp thuế cho mọi khoản thu nhập cá nhân theo quy định”, ông Phụng cho biết thêm.

“Không ít các nhà phân phối khác cũng đang gặp trường hợp giống như tôi, tức không có mã số thuế, tức bất minh nguồn triết trừ và ai sẽ là người hưởng lợi từ khoản thu và đóng thiếu minh bạch như này? Khi bị khiếu nại, phía Unicity cũng không trả lời hợp lý, thậm chí quy chụp những người kiến nghị vào nhóm đối tượng cần bị loại trừ. Trên luật, nguồn tiền cần phải rõ ràng và khúc triết”, nhà phân phối Dung cho biết.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tục thông tin về vụ việc này. Đây không chỉ là “trường hợp ngoại lệ” với Unicity, khi thị trường đa cấp vốn dĩ nhiều “lỗ hổng”.

Tuấn Việt

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu