10:07 ngày 27/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Công an Hoà Bình, Hà Nội vào cuộc vụ nước sạch Sông Đà bị nhiễm dầu

Minh Anh (tổng hợp) | 15:52 15/10/2019

(THPL) - Sáng 15/10, Công an tỉnh Hoà Bình và Công an Hà Nội cho biết vẫn đang tập trung lực lượng để xác minh, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc đầu nguồn nước dẫn vào nhà máy nước sạch Sông Đà có váng dầu.

Theo Tiền Phong, đại tá Trương Quang Hải - Phó giám đốc Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Hoà Bình đang khẩn trương xác minh vụ việc và sẽ thông tin tới báo chí sau khi có kết quả cuối cùng.

Thượng tá Trần Anh Tuấn - Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội cũng cho hay, ngay sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân ở Hà Nội về việc nước sinh hoạt có “mùi lạ”, Phòng Cảnh sát môi trường lập tức cử cán bộ phối hợp với cùng các cơ quan chức năng xuống hiện trường kiểm tra, lấy mẫu nước để tiến hành xét nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả.

Ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn Sông Đà gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng nước cung cấp cho người dân Hà Nội (Ảnh: Dân trí)

Theo báo Dân trí, qua báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình, vào tối ngày mùng 8, rạng sáng mùng 9/10, người dân phát hiện một xe tải 2,5 tấn bơm dầu thải đổ trộm ra khe núi sát Suối Trâm tại xã Phúc Minh và Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình) - cách kênh dẫn nước của nhà máy khoảng 800m.

“Váng dầu từ khe núi chảy vào suối và lan tới kênh dẫn nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà (Viwasupco) tại Hoà Bình. Sau khi phát hiện thì nhà máy nước sạch Sông Đà đã thuê người dân vớt dầu. Toàn bộ dầu loang, theo báo cáo của công ty này, đã được thu gom”- ông Thức nói.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình, trong các ngày 9 - 10/10, công nhân của Viwasupco đã phát hiện và thực hiện vớt váng dầu, vệ sinh khu vực trên.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hoà Bình đã triển khai lấy mẫu nước tại khu vực này để phân tích. Chủ tịch UBND tỉnh này cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc xác minh, điều tra rõ đối tượng đổ trộm dầu thải.

“Cơ quan chức năng đang làm rõ có hay không việc nhà máy thấy nước ô nhiễm mà vẫn tiếp tục đưa vào xử lý để cho người dân sử dụng? Phải làm rõ trách nhiệm trong việc này”- ông Thức nhấn mạnh.

Sáng 14/10, ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc quản lý vận hành nhà máy từ ngày 9 đến 11/10/2019.

Trong văn bản Viwasupco cho biết, vào 12h ngày 9/10/2019, thời tiết khu vực mưa, nhân viên bảo vệ đội phục vụ công tác bảo vệ và vớt rong rêu phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ có váng chưa rõ nguyên nhân.

Phát hiện sự việc trên, lực lượng bảo vệ đã báo cáo lên Phòng Trung tâm và lãnh đạo Cty cho hướng xử lý. “Dù kết quả kiểm tra chất lượng nước sạch đầu ra của Phòng hóa nghiệm Công ty vẫn đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế”, Tổng Giám đốc Viwasupco Nguyễn Văn Tốn cho hay.

Ông Tốn cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, nhà máy đã đóng van cấp nước vào nước ở bể chứa trung gian và tiến hành xúc xả toàn bộ nước qua nhà máy thông qua van xả cặn đoạn từ nhà máy về đến bể chứa trung gian. Do không có nước về bể chứa nên công ty buộc phải giám áp để duy trì cấp nước. 

Theo ông Tốn để xử lý váng dầu, Viwasupco đã sử dụng phao, gối hút dầu chuyên dụng trên kênh dẫn nước hồ 500m làm khu vực tách dầu và thu gom, vị trí đặt phao. Cửa kênh nhận nước dẫn nước từ hồ Đầm Bài đến Trạm bơm hồ nhưng cho chắn rác tại cuối kênh. 

Về xử lý công nghệ, Viwasupco tiến hành chắn bổ sung than hoạt tính vào khu xử lý để tăng cường xử lý cũng như châm tăng hóa chất xử lý trong đó có Clo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế là 0,8 mg/l.

Để tìm nguyên nhân xuất hiện váng dầu, ông Tốn cho biết, đã huy động toàn bộ cán bộ công nhân viên nhà máy đi kiểm tra và thông báo với công an xã, chính quyền địa phương, công an huyện để điều tra, làm rõ.

Minh Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu