00:23 ngày 17/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hòa Phát được phép nhận chìm 15 triệu m3 vật chất xuống biển Dung Quất

12:40 27/02/2019

(THPL) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có quyết định cho phép Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất nhận chìm 15,39 triệu m3 vật chất nạo vét xuống vùng biển Dung Quất.

Theo báo điện tử Dân trí, Bộ Tài Nguyên và Môi trường vừa cấp giấy phép cho Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất (Tập đoàn thép Hòa Phát) nhận chìm gần 15,4 triệu m3 vật chất nạo vét cảng biển xuống khu vực biển xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). 

Theo giấy phép, doanh nghiệp này được nhận chìm gần 15,4 triệu m3 vật chất nạo vét tại khu vực cảng, luồng tàu ra vào cảng, khu bến cảng thuộc dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất xuống biển. 

Cảng chuyên dụng của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất

Khu vực biển được phép nhận chìm có diện tích 180 ha, phương tiện vận chuyển và được sử dụng là tàu hút bụng xả đáy tự hành, loại từ 7.000-5.000 m3/chiếc (ba chuyến mỗi ngày). Độ sâu sử dụng từ 51-55 m tính từ "0" cao độ hệ thống quốc gia. 

Thành phần vật chất nhận chìm gồm: Cát biển chiếm khoảng 86,4%, bùn sét 13,6%. Chất được phép nhận chìm không chứa phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ và quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Thời gian được phép nhận chìm từ ngày 1/3/2019 đến 31/5/2020.

Quá trình nhận chìm chia làm 2 giai đoạn với khối lượng nhận chìm giai đoạn 1 là 7,69 triệu m3, giai đoạn 2 nhận chìm 7,7 triệu m3. Thời gian thực hiện nhận chìm trong 15 tháng tính từ ngày 1/3/2019 đến hết ngày 31/5/2020.

Theo quyết định này, phương tiện chuyên chở vật chất nhận chìm là loại tàu hút bụng xả đáy tự hành loại 7.000 m3 đến 35.000 m3, mỗi loại tàu vận chuyển 3 chuyến mỗi ngày và nhận chìm theo hình thức xả đáy.

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất phải đăng ký các phương tiện chuyên chở có gắn thiết bị giám sát hành trình với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời ghi chép toàn bộ quá trình thực hiện nhấn chìm, nhật ký hàng hải để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển.

Theo Tri thức trực tuyến, trước đó, tháng 11/2018, đoàn công tác của Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã phối hợp với cơ quan chức năng Quảng Ngãi lặn khảo sát vị trí đáy biển, nơi dự kiến sẽ nhận chìm 15,5 triệu m3 vật chất ở cảng Dung Quất.

Sau khi tiến hành lặn thăm dò tại 4 vị trí khác nhau trong khu vực dự kiến nhận chìm, các camera dưới nước đã được đưa lên để kiểm tra thực trạng đáy biển. Hình ảnh ghi được từ các camera không phát hiện thấy có các rạn san hô hay các loài sinh vật đặc hữu. Ở độ sâu 52 m chỉ thấy có cát vàng và các lớp trầm tích. Hình ảnh này cũng trùng khớp với kết quả của 2 lần khảo sát đáy biển vào tháng 4 và tháng 9/2018 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Tháng 9/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt hồ sơ đề xuất nhận chìm 15,5 triệu m3 bùn sét, cát nhiễm mặn nạo vét, trình Thủ tướng giao khu vực biển cho dự án Hòa Phát.

Sau 2 năm xây dựng, khu liên hợp sản xuất gang thép tại Dung Quất đang trong giai đoạn thi công cao điểm với hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư và công nhân làm việc trên công trường. Dự kiến dự án hoàn thành giai đoạn 1 vào quý 1/2019 với công suất 2 triệu tấn thép dài xây dựng. Giai đoạn 2 hoàn thành cuối năm 2019 với công suất 2 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm.

Minh Tuấn (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu