11:52 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Chính điện Lam Kinh - công trình gỗ độc đáo ở xứ Thanh mở cửa đón du khách

21:10 03/04/2022

(THPL) - Ngày 2/4/2022, Chính điện Lam Kinh đã mở cửa đón khách du lịch. Đến đây, du khách không chỉ được sống trong không gian văn hóa đặc biệt để ngược dòng về quá khứ - một thời kỳ hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, mà còn được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.

Trải qua những biến cố lịch sử, với nắng núi mưa ngàn, quần thể kiến trúc điện miếu Lam Kinh đã bị mai một. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các hạng mục tại di tích tại Lam Kinh đã được nghiên cứu, bảo tồn, nhiều hạng mục được phục dựng, tu bổ, dần tái hiện phần nào diện mạo ban đầu của Chính điện Lam Kinh.

Năm 2010, Chính điện Lam Kinh chính thức được khởi công bảo tồn, phỏng dựng trên cơ sở nền móng và hệ thống chân tảng hiện còn với tổng diện tích 1.662 m2.

Các trò chơi dân gian được tái hiện tại Lễ hội Lam Kinh.

Công trình được xây dựng theo kết cấu khung gỗ hoàn toàn bằng gỗ lim, vật liệu xây dựng (đá, gạch, ngói các con giống, kìm nóc, trang trí diềm mái….) được phục chế theo kiểu dáng được phát hiện tại Lam Kinh qua các lần khai quật khảo cổ học.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử cho biết, chính điện Lam Kinh là công trình kiến trúc gỗ lớn nhất và phức tạp nhất, do đó phải mất nhiều thời gian, công sức để tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm vật liệu, sản xuất các mẫu trang trí con giống, hoa văn và lựa chọn phương án thi công, bảo đảm đúng quy trình thi công thủ công truyền thống.

Màn rước kiệu tại Lễ hội Lam Kinh.

Đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: “Chính điện Lam Kinh là công trình bằng gỗ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã tạo nên tầm vóc và sự thay đổi toàn diện cho khu di tích lịch sử Lam Kinh nói riêng và hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh nói chung”.

Theo đó, chính điện Lam Kinh sau khi phục dựng, tu bổ đã trở thành công trình kiến trúc bằng gỗ lớn nhất và phức tạp nhất tại tỉnh Thanh Hóa, với khối lượng gỗ lim dùng để phục dựng, tu bổ là hơn 2.000 m3. Đáng chú ý, bên trong chính điện, các đồ thờ, vật dụng được phục dựng và sơn son thếp vàng với giá trị gần 40 tỉ đồng.

Bên trong các ngai thờ và đồ thờ đều được dát vàng rất bắt mắt.

Kết cấu chính điện Lam Kinh bằng khung gỗ lim, được các nghệ nhân phục chế theo mẫu, kiểu dáng, màu sắc mang đậm phong cách nhà Lê, như: kết cấu khung gỗ lim 6 hàng cột; vì chồng rường giá chiêng; trang trí hoa văn trên bề mặt cấu kiện gỗ hình rồng; chạm nổi, chạm bong một số lớp có độ sâu từ 10 – 20cm…

Lam Sơn vùng đất sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Sau 10 năm (1418 - 1428) kháng chiến trường kỳ đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Thăng Long (Hà Nội), lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt.

Toàn bộ phần Chính điện Lam Kinh được sơn sơn thếp vàng.

Nhà Lê đã cho xây dựng nhiều điện miếu có quy mô to lớn ở đất Lam Sơn. Lam Sơn được coi là “kinh đô thứ hai” của nước Đại Việt sau Thăng Long, Đông Đô - Hà Nội.

Vào năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án phục hồi, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Lam Kinh. Các hạng mục đã phục hồi, tôn tạo, như: các lăng mộ, nhà bia, chính điện, các tòa Thái miếu, Nghi môn, sân Rồng, thềm Rồng, cầu Bạch, đền thờ, giếng cổ, sông ngọc... với tổng giá trị dự án hơn 200 tỉ đồng.

Năm 2012, di tích Lam Kinh được Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng là di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.

Sự kiện mở cửa đón khách du lịch tham quan chính điện Lam Kinh năm 2022 là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự hoàn thiện của công trình, và lớn hơn là đáp ứng sự kỳ vọng, mong đợi của nhân dân và du khách.

Duy Phúc

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu