08:43 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Chiến lược "đầu tư theo mùa" ở thị trường chứng khoán Việt Nam

Lưu Kỳ (tổng hợp) | 21:37 24/02/2022

(THPL) - Mỗi mùa trên thị trường chứng khoán đều có những đặc điểm và biến động riêng. Nhà đầu tư nên nắm bắt thị trường và động thái của doanh nghiệp để ra quyết định đầu tư đúng đắn.

Trong chương trình Bí mật đồng tiền phát sóng trưa ngày 23/2, hai vị chuyên gia là ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI và ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup đã có những chia sẻ về chiến lược và phương pháp đầu tư để "mùa nào thức nấy".

Hiệu ứng tháng Giêng: Theo thống kê của FiinGroup, trong 20 năm trở lại đây, tháng Giêng cơ bản thường tăng, nhưng riêng năm nay lại khá ảm đạm vì thanh khoản thấp, chỉ loanh quanh 20.000 tỷ đồng/phiên. Trong khi đó, lượng tiền trên thị trường còn rất nhiều, minh chứng là số lượng tài khoản đạt gần 5 triệu, tổng tiền trên tài khoản đạt 100 tỷ USD hay dư nợ margin đạt 200 tỷ USD.

Trong bối cảnh thị trường thiếu dòng tiền dẫn dắt, đối với riêng cá nhân ông Thuân, ông sẽ lựa chọn mua cổ phiếu có câu chuyện riêng, không liên quan đến yếu tố cơ bản hay đầu cơ. Cụ thể, những cổ phiếu này thường trải qua đợt điều chỉnh mạnh, nhưng doanh nghiệp có động thái về việc tăng vốn.

Chương trình bí mật đồng tiền.

Mùa đại hội cổ đông: Vào khoảng tháng 3, tháng 4 hằng năm sẽ diễn ra mùa đại hội cổ đông, NĐT thường có tâm lý khá tích cực vì kỳ vọng các doanh nghiệp ra quyết định quan trọng như tăng vốn, trả cổ tức, kế hoạch kinh doanh...

Nói về chiến lược đầu tư, ông Phạm Lưu Hưng ưa thích các doanh nghiệp trả cổ tức cao. Còn tăng vốn là cả câu chuyện của năm 2021, bước sang năm 2022 đã không còn là xu hướng.

Quan điểm trái chiều, ông Thuân cho biết cá nhân mình không bao giờ đầu tư chứng khoán vì cổ tức vì bình quân mức cổ tức chỉ rơi vào khoảng 2 – 3%. Chuyên gia này kỳ vọng mùa đại hội cổ đông năm nay sẽ là mùa rực lửa của chứng khoán Việt Nam. Năm nay, ngoài lên kế hoạch kinh doanh, các doanh nghiệp có câu chuyện riêng sẽ chi phối thị trường.

Theo số liệu của FiinGroup, dự kiến lợi nhuận doanh nghiệp tăng khoảng 20% trong năm 2022 và lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể cao hơn rất nhiều mức đề ra. Dòng tiền từ NĐT sẽ mua các cổ phiếu cơ bản mặc dù thị trường hiện nay mang tính đầu cơ, ông Thuân nhận định.

Đối với những NĐT theo trường phái lướt sóng, quan trọng nhất là khả năng nắm bắt được động thái của lãnh đạo doanh nghiệp. Ông Thuân cho biết việc doanh nghiệp công bố thông tin là một chuyện, nhưng câu chuyện thực sự đằng sau lại khác hoàn toàn, chẳng hạn như có doanh nghiệp công bố mua cổ phiếu để nâng sở hữu lên 65% nhưng thực chất bên trong lại bán ra.

Ví dụ điển hình nhất gần đây là ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Đầu tư và Phát triển Xây dựng (DIC Corp - Mã: DIG) chỉ mua vỏn vẹn 145.000 cổ phiếu DIG trong số 5 triệu đơn vị đăng ký với lý do giá không phù hợp.

Tuy nhiên, không phải NĐT nào, đặc biệt là những NĐT F0 cũng có khả năng này vì cần phải "nghe nhạc hiệu đoán chương trình", họ không thể nắm bắt được động thái của doanh nghiệp chỉ qua báo cáo hay công bố thông tin.

Hiệu ứng tháng 5 "Sell in May and go away": Chuyên gia SSI nhận định hiệu ứng tháng 5 áp dụng đúng với thị trường nước ngoài hơn là thị trường Việt Nam vì thời điểm này, thị trường quốc tế thường trống thông tin và vào kỳ nghỉ hè.

Còn đối với Việt Nam, đầu tư theo hiệu ứng này như "5 ăn 5 thua". Ông Hưng cho biết bản thân mình chưa bao giờ sử dụng hiệu ứng tháng 5 vào đầu tư, thay vì "bán rồi đi chơi" thì sẽ quan tâm đến câu chuyện của từng cổ phiếu.

"Đây lại là thời điểm để NĐT tái cấu danh mục vì sau mùa đại hội cổ đông và kết quả kinh doanh quý I/2022, NĐT đã thẩm thấu thông tin và ra quyết định. Những ngành không thể bỏ qua trong tháng 5 năm nay là ngân hàng và bất động sản", ông Thuân chia sẻ thêm.

Điều đặc biệt đối với thị trường Việt Nam là Quốc hội năm nào cũng họp vào tháng 5. Đối với riêng ngành ngân hàng, bên cạnh kế hoạch tái cấu trúc hệ thống ngân hàng 5 năm, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu sẽ hết hạn vào tháng 7 nên có thể kỳ vọng Quốc hội sẽ ra những quyết định quan trọng liên quan đến sự kiện này.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ đăng cao tổ chức SEAGames trong tháng 5 năm nay và nếu tổ chức thành công sẽ minh chứng cho quá trình mở cửa và hồi phục.

Mùa ngủ đông: Trong bối cảnh thị trường giao dịch ảm đạm và không có ngành dẫn dắt, NĐT chủ yếu "ăn sổi" và dòng tiền luân chuyển rất nhanh qua các ngành.

Theo đó, đầu tư luân phiên theo ngành chính là chiến lược mà các NĐT có thể theo đuổi, ông Thuân nhận định. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi NĐT phải theo dõi sóng ngành thường xuyên và việc lựa chọn điểm mua điểm bán còn quan trọng hơn việc lựa chọn cổ phiếu, đặc biệt đối với NĐT lướt sóng.

Mùa cổ phiếu thép: Một tuần sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trung bình giá cổ phiếu thép đã bứt phá 19,6%, vượt trội so với đà tăng của VN-Index (1,5%), phản ánh việc giá thép thế giới tăng 5% trong đầu tháng 2/2022. Hiện tại, các doanh nghiệp thép đang định giá ở mức thấp nhất 4 năm trở lại đây.

Chuyên gia SSI nhận định cổ phiếu thép, nói rộng hơn là các cổ phiếu có tính chu kỳ, sau khi trải qua giai đoạn sụt giảm và dưới đáy đi lên, thường P/E sẽ tăng. Khi đầu tư cổ phiếu chu kỳ có P/E cao và giá cả hàng hoá tăng, đây chính là thời điểm đầu tư tốt. Ngược lại, khi P/E thấp mà giá hàng hoá giảm, nhiều khi đó là đỉnh lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ông Hưng cho biết nhiều người đang cho rằng P/E của ngành thép đang ở mức 4 - 5 lần, nhưng thực tế P/E forward năm 2022 đã tăng lên 7 lần, bằng với mức trung bình quá khứ nên không còn quá hấp dẫn.

Giải thích thêm về tính chu kỳ của cổ phiếu, ông Thuân chia sẻ: "Khi giá hàng hoá tăng cao, các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư và mở rộng công suất, theo đó sẽ dư hàng tồn kho, gây ra hậu quả là cung nhiều cầu và giá lại giảm. Chính vì vậy lợi nhuận các doanh nghiệp mang tính chu kỳ được ví như hình sin và định giá sẽ đi theo chiều ngược lại. Đặc biệt đối với ngành thép, ngoài yếu tố chu kỳ, còn liên quan đến chuỗi giá trị như giá HRC".

Lưu Kỳ (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu