14:14 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Cây quế - Thương hiệu của vùng đất Văn Yên

09:06 03/04/2021

(THPL) - Với khí hậu và đất đai phù hợp, cây quế được trồng rất nhiều ở huyện Văn Yên (Yên Bái). Trước đây, quế là cây xóa đói giảm nghèo, giờ trở thành cây làm giàu cho bà con nông dân.

Nằm ở phía Bắc tỉnh Yên Bái, huyện Văn Yên có diện tích tự nhiên trên 139 nghìn ha; trong đó, đất lâm nghiệp chiếm 75%. Do có địa hình đồi núi cao, nằm trong vùng khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng của cây quế, nên vùng quế Văn Yên có gần 50.000 ha. Đây là huyện có diện tích quế lớn nhất nước. Diện tích quế trồng mới và trồng vào diện tích đã khai thác từ 1.800 ha đến 2.000 ha/năm. Mỗi năm sản lượng quế tại đây xuất ra thị trường trong nước và quốc tế khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô; 300 tấn tinh dầu, 51.000m3 gỗ/năm và nhiều mặt hàng khác.

Quế được xác định là cây trồng chủ lực, là cây làm giàu của người dân huyện Văn Yên.

Theo các cụ cao niên kể lại, cây quế Văn Yên gắn với câu chuyện ông tổ nghề trồng quế Bàn Thừa Phú. Cách đây hơn 200 năm, ông đã đi khắp non cao rừng thẳm để tìm ra cây quế rồi hướng dẫn người dân trồng, không chỉ để làm thuốc chữa bệnh mà còn bán lấy tiền. Cây quế được ví là cây vàng trên núi, là một trong "tứ bảo đông y" và là nguyên liệu mỹ phẩm, gia vị không thể thiếu của nhiều món ăn. 

Hiện nay, cây quế được phân bổ khắp các vùng trong cả nước, trong đó có bốn vùng trồng quế tập trung là Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa - Nghệ An và Quảng Nam - Quảng Ngãi. Điển hình tại huyện Văn Yên (Yên Bái) cây quế được trồng ở 27 xã, thị trấn, ngoài ra nơi đây còn được xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại 8 xã trong vùng.

Sau khi thu hoạch, quế sẽ được bán tươi hoặc phơi khô rồi bán cho các doanh nghiệp.

Đất Văn Yên bạt ngàn rừng quế, nhà nhiều có cả trăm ha, nhà ít vài ba ha, quế mọc khắp nơi, chạm chân tới chỗ nào cũng gặp quế, không chỉ người Dao mà còn có các dân tộc: Tày, Mông, Kinh… đều trồng quế. Các xã trồng nhiều quế: Xuân Tầm, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Quang Minh, Châu Quế Hạ, Tân Hợp, Nà Hẩu…

Theo anh Nguyễn Văn T., người trồng quế ở huyện Văn Yên cho hay: “Năm nay kinh tế ở đây còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, quế Văn Yên vẫn đảm bảo ổn định, mang lại đời sống ấm no cho bà con nông dân chúng tôi. Hơn hết, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4 triệu/ năm và đặc biệt, quế từ cây xóa đói giảm nghèo trở thành cây làm giàu trên địa bàn huyện. Hy vọng dịch Covid-19 sẽ được dập tắt để người dân yên ổn làm ăn, doanh nghiệp sản xuất có nhiều hướng xuất khẩu hơn". 

Từ vài chục năm nay, cây quế Văn Yên đã nổi tiếng thế giới, tháng 1/2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) có quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên. Từ 1/8/2020, quế Văn Yên là một trong 39 mặt hàng của Việt Nam được EU bảo hộ khi thực thi EVFTA.

Quế được tận dụng được mọi chi tiết từ quả, lá, cành, vỏ, thân, rễ.

Với khí hậu và đất đai phù hợp, cây quế sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt hàm lượng tinh dầu cao nên Vương quốc Thái Lan đã quyết định bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế vỏ Văn Yên tại Thái Lan. Đây là điều hiếm thấy trên thế giới, một quốc gia khác bảo hộ sản phẩm của Việt Nam trên đất nước họ. Điều đó đã khẳng định chất lượng sản phẩm quế Văn Yên nổi tiếng bên ngoài lãnh thổ.

Quế được trồng khắp mọi nơi trên địa bàn huyện.

Trên đất Văn Yên hiện có nhiều công ty và hàng trăm hộ gia đình đang thu mua, chế biến quế phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Doanh nghiệp cũng tìm kiếm các đầu ra cho sản phẩm quế đến các thị trường trong và ngoài nước, nhưng do ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 nên hàng hoá xuất đi chậm hơn mọi năm. Tuy nhiên, để so sánh với nhiều mặt hàng khác thì quế năm nay vẫn giữ ở mức ổn định, các doanh nghiệp quế và người dân đều có thêm thu nhập cao hơn năm ngoái.

Nhờ hướng đi đúng, cây quế đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Văn Yên (Yên Bái), sản phẩm chế biến từ cây quế vô cùng phong phú, với khoảng gần 500 sản phẩm, được bàn tay khéo léo của các nghệ nhân chế tác trở thành thứ hàng hóa vô cùng độc đáo, được bày bán ở nhiều nơi trên đất nước ta.

Diệu Huyền

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu