08:45 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Cạnh tranh thị trường SGK: Đã đến lúc nói tiếng “công tâm”!

09:19 16/01/2020

(THPL) - Khi Bộ GD-ĐT chính thức công bố danh mục 32 tên sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới được sử dụng trong năm học tới thì dường như cũng là lúc dấy lên cuộc cạnh tranh không khoan nhượng của các nhà xuất bản để giành được thị trường. Đây thực sự là những “cuộc chiến”. Cánh diều và Chân trời sáng tạo đang nằm trong vòng xoáy ấy…

Bộ SGK Cánh diều mới đây đã được Công ty Đầu tư xuất bản- thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) công bố là bộ sách duy nhất đầy đủ tất cả các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc của lớp 1 theo quy định của Chương trình GDPT 2018. Bộ sách là sản phẩm hợp tác xuất bản của 3 đơn vị - NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và VEPIC, với sự góp mặt của hầu hết chuyên gia trong Ban phát triển Chương trình GDPT 2018 của Bộ GD&ĐT. Ông Nguyễn Minh Thuyết, đại diện nhóm làm SGK Cánh diều từng nhấn mạnh: Bộ sách được biên soạn trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương “thực học, thực nghiệp” với nội dung xuyên suốt là “mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”. Đây thực sự là bộ SGK lý tưởng dành cho học sinh và giáo viên trong năm học tới.
Ông Ngô Trần Ái người ngoài cùng bên phải (Ảnh: Báo Đại biểu nhân dân).

Trong khi đó, bộ SGK Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (gọi tắt là NXBGDVN) đã được giới thiệu là có thông điệp, bản sắc riêng và cụ thể hóa mục tiêu giáo dục toàn diện, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực người học. Bộ sách kết nối kiến thức với cuộc sống, dẫn dắt học sinh khám phá cái mới, tổ chức dạy học sinh theo cách sáng tạo để gợi hứng thú cho người học. Đặc biệt, bộ sách phù hợp với học sinh trên mọi vùng miền…

Để giành được thị phần, các NXB đã không ngừng đẩy mạnh truyền thông về các bộ sách của mình, nhắm tới các trường phổ thông là đối tượng quyết định lựa chọn bộ SGK nào trong giai đoạn trước tháng 7/2020 – khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực. Và tất nhiên, các NXB cũng hoàn toàn nắm rõ đối thủ cạnh tranh trực tiếp.

Công văn số 456A/NXBGDVN do ông Ngô Trần Ái đương nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên ký với Sở GD-ĐT TP HCM.

Trở lại câu chuyện lùm xùm liên quan đến việc NXBGDVN chi thù lao cho một số lãnh đạo, chuyên viên Sở GD&ĐT TPHCM, có thể thấy rõ GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên bộ sách Cánh diều và nhà giáo Ngô Trần Ái, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VEPIC đã liên tục đăng đàn “diễn thuyết” về sự thiếu khách quan trong việc lựa chọn bộ SGK Chân trời sáng tạo. Liệu có thực sự trung thực, khách quan khi chính ông Ngô Trần Ái đã từng đóng vai trò lãnh đạo chỉ đạo xây dựng bộ SGK Chân trời sáng tạo ở thời kì đầu? Ông là người đã ký Biên bản ghi nhớ về việc NXBGDVN hợp tác với Sở GD&ĐT TP. HCM để biên soạn một bộ SGK cho địa bàn TP.H CM, với tư cách Chủ tịch HĐTV NXBGDVN. Điều gì đã khiến ông Ngô Trần Ái “buồn” về chính việc làm mà mình là người chỉ đạo, là người ký văn bản chi thù lao cho Ban chỉ đạo trong đó có các cán bộ Sở GD&ĐT TP. HCM? Phải chăng, giờ đây với tư cách là người đại diện cho quyền lợi của Công ty VEPIC thì ông đã thay đổi chính mình?

Biên bản cuộc họp giữa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với Ban lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh

Được biết, Công ty VEPIC thành lập năm 2016, khi ông Ngô Trần Ái vẫn đang giữ vai trò Trưởng ban chỉ đạo biên soạn SGK mới của NXBGDVN. Giờ đây, VEPIC là đơn vị cạnh tranh trực tiếp với NXBGDVN. Liệu đó có phải là sự “dọn đường” từ sớm của Ông Ngô Trần Ái để VEPIC cạnh tranh không khoan nhượng với chính nơi mà Ông đã từng gắn bó suốt hơn 20 năm ?!

GS. Nguyễn Minh Thuyết có thực sự công tâm khi ông đã biên soạn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 cho Công ty VEPIC trước khi nhận lời làm Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo? Liệu chương trình có bị “lái” theo SGK Tiếng Việt mà GS đã biên soạn trước đó? Và giờ, với tư cách Tổng chủ biên bộ sách giáo khoa Tiếng Việt do Công ty VEPIC thực hiện, GS. đang hàng ngày hàng giờ tìm cách phát biểu trên các diễn đàn hòng làm giảm uy tín của các bộ SGK khác, để sách của GS. có cơ hội được lựa chọn. Phát ngôn đó liệu có khách quan?

32 tên sách thuộc 5 bộ SGK đã được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua. Về mặt quản lý nhà nước, Chân trời sáng tạo hay Cánh diều đều đảm bảo chất lượng để được sử dụng trong các nhà trường. Sức sống của các bộ sách sẽ được thực tiễn chứng minh, chứ không phải bằng những phương cách cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Đã đến lúc, chúng ta cần một tiếng nói "công tâm" về những "lình xình" liên quan đến việc lựa chọn SGK tại TP. Hồ Chí Minh và điều quan trọng là hãy đặt tương lai các thế hệ học sinh, mầm non của đất nước lên trên tất cả.

TUẤN VIỆT

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu