08:44 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cần tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội một cách nghiêm túc

Phương Linh (tổng hợp) | 14:54 10/04/2020

(THPL) - Theo Thủ tướng, cả nước phải tiếp tục quyết tâm chống dịch, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16. Cả nước tiếp tục giãn cách xã hội một cách nghiêm túc, nhưng không ngăn sông cấm chợ, không ngăn cản vận chuyển hàng hóa, vật tư thiết bị. Các cơ sở sản xuất giữ khoảng cách, không để lây nhiễm trong cộng đồng.

Trưa 10/4, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, TP đã kết thúc. Đây là hội nghị nhằm bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn về kinh tế - xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo báo Pháp luật TP HCM, tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành cùng chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ, quyết tâm cao để tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.

“Dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba. Tinh thần ấy đã được Đảng, Nhà nước ta quán triệt rất tốt. Cần tập trung sức lực hơn nữa, tháo gỡ, chấm dứt tình trạng trì trệ như ở một số địa phương thời gian qua”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng lưu ý tăng tưởng kinh tế quý I-2020 của VN 3,82% là đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, nhưng vẫn là quá thấp. Các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm, sáng tạo hơn, biến nguy cơ thành thời cơ trong chỉ đạo tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo Thủ tướng, Trung ương, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ 91 kiến nghị của các tỉnh, TP. “Như xuất khẩu gạo là khuyến khích nhưng phải có kiểm soát để đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo quyền lợi nông dân. Cần tìm thị trường mới, đổi mới cách làm, thay đổi cả những việc đã trở thành thói quen. Xử lý nghiêm thói chậm chạp, vô trách nhiệm”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các ngành chú ý đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, dịch vụ nông nghiệp. Trong đó, chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân. Tăng cường chống đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, nhất là thịt lợn. Xử lý nghiêm việc đầu cơ làm chỉ số CPI tăng lên.

Cần tiếp tục cách ly xã hội một cách nghiêm túc (ảnh minh họa)

Ngoài ra, các ngành cần tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Cả ngành truyền thông cũng phải đổi mới, quyết tâm đồng lòng tạo nên động lực mới để có sự nhất trí trong toàn quân, toàn dân.

Thủ tướng cũng giao Bộ KH&ĐT chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, các đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp để đưa vào nghị quyết mới.

Được biết, ngày 10/4, Việt Nam chưa ghi nhận thêm ca mới nào vào buổi sáng. Chúng ta cũng đang thực hiện sang ngày thứ 10 giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ còn năm ngày nữa theo đúng Chỉ thị giãn cách xã hội, nếu chủ quan, mọi công sức chống dịch có thể đổ xuống sông, xuống biển.

Theo báo Nhân dân, PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn cao cấp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia cho hay, tình trạng người dân ra đường đông đúc những ngày qua cho thấy người dân đang có tư tưởng chủ quan và điều này có thể khiến virus lây lan, dịch bùng lên lúc nào không biết.

Ông Phu nhận định, khi thấy số ca mắc giảm, người dân cứ nghĩ chúng ta đã thành công. Thực tế, không phải vậy. Dịch đang âm thầm và hoàn toàn có thể bùng lên. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc giãn cách xã hội rất quan trọng. Vì khi có ca lây nhiễm trong cộng đồng, sẽ không biết ai là người đang nhiễm và không biết đâu là nguồn bệnh. Ngay cả việc một số bệnh nhân mới như 237, 243 và 251 đang được đánh giá là phức tạp khi nguồn lây chưa được xác định rõ ràng.

Cũng theo ông Phu, hiện nay, các ca lây trong cộng đồng tìm nguyên nhân rất khó. Trước đây, với các ca xâm nhập, ta khoanh vùng lại, tập trung lại dễ, biết nguồn cơn từ đâu. Còn bây giờ, dịch lây ra cộng đồng nên rất khó. Vì thế, chúng ta mới cần giãn cách xã hội. Nếu tìm được nguồn lây thì đâu cần làm giãn cách xã hội. Chúng ta hiện nay không biết được đâu là người mang bệnh đâu là người lành. Dù số người nhiễm chưa nhiều, nó vẫn có khả năng lây. 

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu