16:20 ngày 18/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Cần siết buôn lậu xăng dầu, đảm bảo nguồn cung trong nước

14:34 08/06/2022

(THPL) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá do Nhà nước giữ vai trò bình ổn. Đến một lúc nào đó Nhà nước phải can thiệp để giảm giá xăng dầu. Việc này có lợi ích giảm giá thành sản xuất, thúc đẩy việc tăng trưởng và sức cạnh tranh, giải quyết được lao động, từ đó có tích lũy cho nền kinh tế.

Trong phiên chất vấn trước Quốc hội sáng nay (8/6), đại biểu Nguyễn Việt Nga (đoàn Hải Dương) đã hỏi quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính về giải pháp giảm thuế nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp?

Theo ông Phớc, giá xăng dầu trong nước hiện nay tăng cao. Tuy nhiên so với các nước xung quanh Việt Nam như Lào, giá vẫn cao hơn của chúng ta khoảng 10.000 - 11.000 đồng/lít. Hay giá tại Thái Lan, Campuchia cũng cao hơn khoảng 2.000 - 3.000 đồng/lít.

Liên quan đến giải pháp giảm thuế để giảm giá xăng dầu trong nước, ông Phớc cho biết vấn đề này thuộc thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Như với thuế môi trường xăng dầu ban đầu là 4.000 đồng/lít, theo Bộ trưởng Phớc, Bộ đã đề nghị và được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm 2.000 đồng thuế môi trường/lít. Việc việc giảm thuế này, tính chung giảm mất khoảng 24.000 tỷ đồng tiền thu ngân sách.

Còn 2.000 đồng/lít tiền thuế môi trường xăng dầu, theo quy định của Luật, Thường vụ Quốc hội chỉ được quyết định giảm thêm 1.000 đồng/lít nữa. Muốn giảm hết 2.000 đồng/lít thuế môi trường trong xăng dầu thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn trước Quốc hội vào sáng nay (8/6). Ảnh: Internet

Với thuế nhập khẩu, theo lộ trình NAFTA sẽ giảm xuống từ 8-8,8%, hiện nay thuế nhập khẩu là 8%. Còn thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10%, theo ông Bộ trưởng Bộ Tài chính, có giảm thuế nữa hay không thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

“Trước mắt chúng tôi sẽ đánh giá tác động và báo cáo với Chính phủ để trình với Thường vụ Quốc hội, Quốc hội có thể giảm thuế, để giảm giá xăng dầu xuống”, ông Phớc thông tin.

Theo báo Tin tức, Bộ trưởng Phớc cũng lưu ý, ngoài giảm giá xăng dầu, cần các giải pháp đồng bộ, nhất là siết buôn lậu xăng dầu, đảm bảo nguồn cung trong nước, nhập khẩu. "Nếu giảm thuế để hạ giá xăng sẽ dẫn tới thẩm lậu xăng dầu, dòng tiền sẽ chảy ra nước ngoài, Lào, Campuchia, Thái Lan...", ông nhìn nhận.

Ngoài ra, ông Phớc cho rằng phải đẩy mạnh sản xuất trong nước để tăng nguồn cung. Nhu cầu xăng dầu trong nước hàng năm là 21 triệu tấn/năm, sản xuất trong nước khoảng 11 triệu tấn. Hiện nhà máy Bình Sơn đạt 100% công suất, trong khi Nghi Sơn sản lượng thấp, do đó cần phải có biện pháp để tăng công suất.

Cũng liên quan đến giá xăng dầu, theo báo Dân trí, trước đó vào chiều 7/6, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhóm vấn đề liên quan tới các vấn đề thuộc ngành nông nghiệp. Trong đó, có nhóm nội dung về sản xuất, tiêu thụ nông sản, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp…

Tham gia giải trình, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết về giải pháp khi giá xăng dầu tăng cao, chia sẻ với ngư dân bám biển, Bộ trưởng Công Thương cho biết sẽ cùng các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Quốc hội và cấp có thẩm quyền có thể nghiên cứu, điều chỉnh lại thuế.

"Trong trường hợp đặc biệt mà giá đầu vào tăng cao hoặc giá nguyên liệu thế giới tăng cao thì chúng ta phải sử dụng những công cụ, chính sách an sinh để giúp cho người dân nói chung, đặc biệt là những đối tượng yếu thế", Bộ trưởng nói.

"Chúng ta không hỗ trợ giá mà hỗ trợ an sinh. Thông qua việc hỗ trợ an sinh để bớt khó khăn cho người dân nói chung và cho những ngư dân vươn khơi bám biển", ông Diên nói thêm.

Trước đó theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, thời gian qua nhiều ngư dân rất vất vả khi giá xăng dầu tăng cao, một số dân miền Trung lại phải cho tàu nằm bờ.

"Đặc biệt, một số chủ tàu cá mặc dù biết là gặp khó khăn trong việc đối đầu với thua lỗ nhưng đều lựa chọn bám biển để mưu sinh cho gia đình. Đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp trong thời gian tới, đặc biệt là giải pháp phối hợp với Bộ Công Thương để có chính sách bình ổn giá, hỗ trợ cho ngư dân bám biển và đặc biệt có hiệu quả kinh tế?", đại biểu chất vấn.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu