00:28 ngày 01/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết Nguyên Đán đúng và ý nghĩa nhất

11:40 25/01/2017

(THPL) – Trong ngày Tết Nguyên Đán, gia đình Việt nào cũng có một mâm ngũ quả đặt trên ban thờ để tỏ lòng thành kính với tổ tiên và những ước nguyện của gia chủ trong năm mới. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách bày mâm ngũ quả sao cho đẹp và ý nghĩa.

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, trên ban thờ của mọi gia đình Việt đều bày mâm ngũ quả để cúng tổ tiên. Ngoài ra, mâm ngũ quả còn mang nhiều ý nghĩa khác. Vậy ý nghĩa của mâm ngũ quả là gì? Cách bày mâm ngũ quả sao cho đẹp, đúng, ý nghĩa?

Mâm ngũ quả mang nhiều ý nghĩa.

Ý nghĩa của mâm ngũ quả

Theo chuyên gia phong thủy Băng Sơn, mâm ngũ quả đặt trên mâm bồng bằng gỗ, có chân tiện sơn son hoặc mâm bồng sứ. Ngũ (5) biểu tượng cho ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, năm nguyên tố cấu thành nên vũ trụ. Số 5 cũng là số lẻ, số sinh.

Còn quả biểu tượng cho sự sung túc qua cấu tạo của nó. Bên trong chứa hạt tượng trưng cho sao, quả bao lấy là vũ trụ, ý nghĩa là sự sinh sôi, trường tồn, tái sinh bất tận của sự sống.

Ngũ quả còn tượng trưng cho thành quả của một năm lao động dâng lên tổ tiên ông bà tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục.

Cách bày mâm ngũ quả

Chuyên gia phong thủy Băng Sơn cũng cho biết, ở miền Bắc thường cúng chuối, bưởi, hồng, đào, quýt.

Miền Bắc thường cúng chuối, quýt, bưởi hồng, đào.

Còn miền Nam có các loại trái như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (theo câu: “Cầu sung vừa đủ xài”), thêm chân đế là 3 trái thơm (dứa), thể hiện sự vững vàng.

Đặc biệt, mâm ngũ quả của người miền Nam không thiếu cặp dưa hấu ruột đỏ vỏ xanh, tượng trưng cho lòng trung nghĩa của người phương Nam.

Mâm ngũ quả miền Nam thường có sung, dừa, đu đủ... Ảnh: Vietnamnet.

Miền Trung nghèo khó, đất đai vốn cằn cỗi, ít hoa trái, lại thêm thời gian Tết thường rơi vào mùa đông khắc nghiệt và cả những hậu quả thiên tai để lại từ trước đó chưa dứt nên cây trái đặc sản địa phương rất hiếm.

Người dân quê không quá câu nệ hình thức ý nghĩa của mâm ngũ quả, mà chủ yếu có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Mặt khác, người miền Trung do chịu sự giao thoa văn hóa 2 miền Bắc - Nam nên mâm ngũ quả vẫn bày biện đủ: chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài… rất phong phú

Ngày nay, hoa trái ngày càng nhiều và phong phú. Vì vậy mâm ngũ quả theo đó mà có thể trở thành thập quả. Tuy vậy, cái tên gọi “ngũ quả” đã đi sâu vào tiềm thức, tâm linh người Việt bao đời. Mâm ngũ quả làm cho quang cảnh ngày Tết và không gian thờ cúng gia tiên thêm phần tươi vui, ấm áp và rực rỡ.

Tuy mỗi miền mỗi khác nhưng mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết vẫn là nơi hội tụ của hồn quả, hương cây của nét văn hóa dân tộc và ý nguyện cầu hòa, an, đủ mà người dân Việt Nam gửi gắm.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu