13:06 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Các doanh nghiệp ngành dệt may báo lãi tăng mạnh

12:56 26/11/2018

(THPL) - Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp ngành dệt may, mà cụ thể là ngành thời trang cho thấy dự báo trước đó của nhà đầu tư đã trở thành sự thật khi cả doanh thu và lợi nhuận của các đơn vị này đồng loạt tăng đáng kể.

Theo báo VTC News, trong những tháng đầu năm nay, đồng USD tăng rất mạnh. Đặc biệt tới hết quý 3/2018, tỷ giá đã vọt lên 23.290 đồng/USD – 23.370 đồng/USD, tăng 625 đồng/USD, tương đương 2,8% so với thời điểm cuối năm 2017.

USD tăng mạnh khiến các doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó khăn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, doanh nghiệp xuất khẩu lại hưởng lợi lớn. Trong các đơn vị xuất khẩu, ngành dệt may được cho là "hốt bạc" hơn cả.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp ngành dệt may, mà cụ thể là ngành thời trang cho thấy dự báo trước đó của nhà đầu tư đã trở thành sự thật. Trong thời gian qua, cả doanh thu và lợi nhuận của các đơn vị này đồng loạt tăng đáng kể.

Các doanh nghiệp ngành dệt may báo lãi tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm. Ảnh minh họa: Internet

Cụ thể, 9 tháng đầu năm nay, Tổng công ty May Nhà Bè (MNB) đã đạt doanh thu 3.523 tỷ đồng, tăng 417 tỷ đồng, tương ứng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả là lợi nhuận trong kỳ tăng từ 37,2 tỷ đồng lên 48,7 tỷ đồng.

Tổng công ty May Việt Tiến (VGG) cũng duy trì đà tăng trưởng đáng kể. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tổng công ty tăng từ 6.360 tỷ đồng lên 7.427 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế tăng 47 tỷ đồng, tương ứng 15,5% so với 9 tháng đầu năm 2017.

Là anh cả trong ngành dệt may, thời trang, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex – VGT) có mức doanh thu và lợi nhuận cao vượt trội. 3 quý đầu của năm 2018, Vinatex đạt doanh thu 14.470 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 13.036 tỷ đồng của 3 quý đầu năm 2017.

Các khoản lãi của Vinatex cũng cao hơn hẳn “đàn em” có mặt trên thị trường. Lợi nhuận sau thuế quý 3/2018 của Vinatex đạt 213 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 671 tỷ đồng, tăng đáng kể so với con số 512 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Là một doanh nghiệp kém nổi tiếng như Vinatex hay Việt Tiến nhưng Công ty cổ phần may mặc Bình Dương (BDG) cũng có chuỗi ngày kinh doanh hiệu quả. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm tăng mạnh từ 55 tỷ đồng lên 77 tỷ đồng. Kết quả này có được do doanh thu đạt 1.086 tỷ đồng.

Theo báo cáo từ Tổng cục thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước tính đạt 178,91 tỷ USD, riêng xuất khẩu dệt may mang về 22,6 tỷ USD, báo Tri thức trực tuyến đưa tin.

Theo đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng năm tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017; 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 58,2%. Riêng xuất khẩu mặt hàng dệt may mang về 22,6 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, đưa dệt may lên vị trí thứ 2, sau xuất khẩu điện thoại và linh kiện.

Với đặc thù lao động trẻ, chăm chỉ, khéo léo, ngành dệt may Việt Nam sản xuất được nhiều sản phẩm mang bản sắc riêng, tạo lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu. Đồng thời, dân số gần 90 triệu người tạo thị trường tiêu thụ ổn định.

Với kết quả khả quan của ngành dệt may, những lợi thế về lao động, nguyên liệu cùng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết trong năm nay, giúp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn với thị quốc tế, mở ra triển vọng phát triển mới.

Tuy nhiên, ngành dệt may còn gặp không ít rào cản. Điển hình, giá trị gia tăng trong sản phẩm thời trang Việt vẫn thấp khi những đơn hàng, hợp đồng sản xuất hay xuất khẩu theo ODM (bao gồm cả khâu thiết kế) vẫn chiếm tỷ lệ thấp, trong khi phần lớn là hợp đồng xuất khẩu gia công. Hạn chế này một phần xuất phát từ việc thiếu nguyên phụ liệu trong nước và công nghệ chưa cao.

Hồng Minh (Tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu