15:15 ngày 09/09/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Các địa phương chủ động ứng phó cơn bão số 3 Yagi

14:54 04/09/2024

(THPL) - Nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 3, các địa phương đã lên phương án sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão số đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 4/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 117,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 730km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/h), giật cấp 15, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 10km/h.

Dự báo, 10h ngày mai (5/9), bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 10-15km/h. Vị trí khoảng 19,3N-115,2E; cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 470km về phía Đông. 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, cường độ tiếp tục giảm dần.

Các chuyên gia dự báo, bão số 3 là cơn bão rất mạnh, ngoài ảnh hưởng của gió mạnh trong bão thì bão số 3 có khả năng gây sóng cao 7-9 m, có khả năng đánh chìm các tàu tải trọng lớn. Khi bão vào đất liền, hoàn lưu bão rất rộng gây gió mạnh dọc theo các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Nhiều khả năng bão số 3 sẽ gây mưa to cho khu vực Bắc Bộ tới tận Thừa Thiên - Huế. Nguy cơ rất cao xảy ra ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Các tỉnh mưa lớn do bão số 3 sẽ bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội. "YAGI là một cơn bão rất mạnh, sẽ vào sâu trong đất liền, phạm vi ảnh hưởng toàn miền Bắc nên cần chuẩn bị sớm các kịch bản ứng phó", TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết.

Hướng di chuyển của cơn bão số 3. Nguồn: KTTV

Theo đại diện Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ chiều 6/9, có hai kịch bản xảy ra đối với hướng đi của cơn bão số 3. Thứ nhất, bão khả năng di chuyển lên phía Bắc ở khu vực Bắc của đảo Hải Nam (Trung Quốc) và đi vào phía Bắc của vịnh Bắc Bộ vào khoảng đêm 6/9, ngày 7/9.

Kịch bản thứ 2 cũng có thể xảy ra, khoảng chiều 6/9, bão số 3 đổi hướng về phía Tây Nam và đi vòng về phía Nam của đảo Hải Nam, đi vào vùng biển phía Nam của vịnh Bắc Bộ. Như vậy, điểm đổ bộ của cơn bão sẽ khác đi.

Tuy nhiên, với hai kịch bản trên, bão số 3 đều có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.

Tại Hà Nội, để chủ động ứng phó với diễn biến bão và các ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai có thể xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành thành phố tập trung chỉ đạo, sẵn sàng triển khai kịp thời, hiệu quả các phương án, kế hoạch, biện pháp ứng phó thiên tai, sự cố.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố nhấn mạnh việc thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình thời tiết, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.

Các địa phương chủ động ứng phó cơn bão số 3 Yagi. Ảnh minh hoạ

Tại tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương và thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác.

Căn cứ tình hình thực tiễn, Bí thư cấp ủy các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, chỉ đạo phòng chống mưa bão trên địa bàn. Đồng thời chịu trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra thiệt hại về người, tài sản của nhân dân do lơ là, chủ quan. Khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bão theo phương châm "3 trước - 4 tại chỗ".

Tại Hải Phòng, UBND TP ngày 3/9 đã có công điện yêu cầu các sở, ban, ngành TP và UBND các quận, huyện tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trước tình hình, diễn biến của bão số 3, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi.

Các cơ quan nêu trên tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, lồng bè nuôi trồng thủy sản, thuyền trưởng các tàu, thuyền, đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Đồng thời, cơ quan chức năng sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão số 3 đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Tại tỉnh Thái Bình, nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 3, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, ngành rà soát, chủ động thực hiện các phương án sắp xếp tàu thuyền, di dời lao động nuôi trồng thủy hải sản, ngư dân trên các phương tiện neo đậu, người dân sinh sống trong các khu vực nguy hiểm, nhà yếu đến nơi an toàn.

Tại Nam Định, ngày 3/9, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, tỉnh Nam Định chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3, đảm bảo an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ; chỉ huy tại chỗ) theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ.

Tại Quảng Bình, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 3.

Theo đó, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ, cảnh báo diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”; tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản nhân dân; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn...

Tại Quảng Nam, để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ do ảnh hưởng của bão, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó. Cụ thể, với phương châm “4 tại chỗ”, các địa phương, đơn vị theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao sẵn sàng mọi điều kiện, không để bị động, bất ngờ, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ chủ động thông tin kịp thời, chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, lũ. Trong đó, tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển, đảo; tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Trong trường hợp có mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh, tổ chức di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm... để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Tuấn Minh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu