14:27 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Cả nước đã ghi nhận hơn 93.800 ca sốt xuất huyết

14:47 05/10/2023

(THPL) - Tính từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 93.814 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 26 trường hợp tử vong.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tuần 38/2023 cả nước ghi nhận 5.758 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với tuần trước số mắc giảm 4,3%. Trong đó, số nhập viện so với tuần trước giảm 5,6%. Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 93.814 trường hợp mắc, 26 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (228.490/117) số mắc giảm 58,9%, tử vong giảm 91 trường hợp.

Tại Hà Nội, theo thống kê, trong tuần này, trên địa bàn thành phố tiếp tục có thêm gần 2.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 1,5 lần so với tuần đầu của tháng 9/2023). Như vậy, cộng dồn 9 tháng năm 2023, thành phố đã ghi nhận 15.354 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có nhiều ổ dịch phức tạp kéo dài. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 557/579 xã, phường, thị trấn.

Các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội có nhiều bệnh nhân từ đầu năm đến nay là: Hoàng Mai (1.141 ca), Phú Xuyên (951 ca), Thanh Trì (928 ca), Thạch Thất (924 ca), Hà Đông (904 ca), Đống Đa (852 ca), Cầu Giấy (846 ca), Nam Từ Liêm (754 ca), Đan Phượng (744 ca), Thanh Oai (723 ca).

Cả nước đã ghi nhận hơn 93.800 ca sốt xuất huyết. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến dịch sốt xuất huyết, TS Vũ Trọng Dược - Trưởng Văn phòng sốt xuất huyết phía Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho hay, Hà Nội ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất là xu thế chung về dịch tễ của cả khu vực, vì thông thường Hà Nội cũng như các tỉnh của khu vực miền Bắc thường ghi nhận ca mắc bắt đầu tăng từ tháng 7, 8 và đạt đỉnh vào tháng 9, 10, ngoài ra năm nay còn có các yếu tố về thời tiết nắng nóng, mưa nhiều rất thuận lợi cho đàn muỗi véc tơ phát triển với mật độ cao, làm phát tán virus Dengue ở cộng đồng mạnh hơn.

Ngoài ra, Hà Nội có những đặc thù làm cho sốt xuất huyết có yếu tố tăng nhanh hơn so với các tỉnh khác thuộc khu vực miền Bắc, đó là giao thương đi lại nhiều, mật độ dân cư đông đúc làm cho muỗi dễ phát tán virus Dengue hơn. Nếu như có muỗi nhiễm virus thì sẽ có 'điều kiện' lây lan mạnh hơn các khu vực khác.

Theo BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện có xu hướng tăng nhanh trong những ngày qua. Trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 4-5 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo sốc sốt xuất huyết với biểu hiện: Đau bụng, đau tức vùng gan, chảy máu niêm mạc, tiểu cầu thấp, máu cô đặc.

Theo các chuyên gia y tế, dự báo đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội sẽ rơi vào tháng 10, 11 tới. Nguyên nhân do diễn biến thời tiết như hiện nay là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi.

Tại Việt Nam, hiện chưa có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết. Việc phòng, chống dịch phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác, sự phối hợp của người dân trong hoạt động diệt bọ gậy, diệt muỗi truyền bệnh.

Theo CDC Hà Nội, trong tuần này, đơn vị sẽ triển khai công tác giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tại các ổ dịch ở một số quận, huyện: Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ. Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho đội xung kích, tổ giám sát và các cộng tác viên về các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết tại một số nơi có diễn biến dịch phức tạp, kéo dài.

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu