08:44 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Y tế hướng dẫn phòng COVID-19 tại các TTTM, chợ, siêu thị, nhà hàng

Lâm Tới (T/h) | 21:18 07/12/2021

(THPL)- Bộ Y tế lưu ý người lao động, bán hàng, khách hàng không đến khu dịch vụ nếu: Mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc đang trong thời gian cách ly tại nhà...

Báo Sức khoẻ và Đời sống đưa tin, ngày 7/12, Bộ Y tế đã có Quyết định 5619/QĐ-BYT về việc ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng”.

Theo Bộ Y tế, người lao động, người bán hàng, khách hàng khi đến khu dịch vụ tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị cần lưu ý:

Không đến khu dịch vụ nếu có một trong các biểu hiện như: Mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở hoặc đang trong thời gian cách ly tại nhà. Khai báo y tế khi đến khu dịch vụ; Luôn thực hiện Thông điệp 5K, trong đó lưu ý đeo khẩu trang đúng cách và thải bỏ khẩu trang sau khi sử dụng vào thùng rác đúng nơi quy định; hạn chế tiếp xúc với người khác; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn;… Thông báo ngay cho cán bộ phụ trách phòng, chống dịch tại khu dịch vụ nếu phát hiện bản thân hoặc người lao động/làm việc, người bán hàng, khách hàng có một trong các biểu hiện như: Mệt mỏi, khó thở, sốt,… Đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong suốt thời gian di chuyển từ nơi ở đến khu dịch vụ và ngược lại;

Người lao động/làm việc, người bán hàng phải được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, ký cam kết thực hiện công tác về phòng, chống dịch bệnh COVID-19; thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh 01 tuần/lần.

Hướng dẫn của Bộ Y tế đưa ra một số nội dung cần thực hiện để phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, cụ thể: Khu vực chế biến thực phẩm phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định. Khu vực ăn uống phải đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng; có nơi rửa tay, có đủ nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; có đủ bàn ghế và đảm bảo khoảng cách giữa các khách hàng theo quy định (có thể xếp ngồi so le hoặc đặt vách ngăn giữa các khách hàng); có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng khách hàng và được vệ sinh sạch sẽ. Có đủ thùng đựng rác, có nắp đậy và có lót túi; có biển 5K về phòng, chống dịch, hướng dẫn khách hàng rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay trước, sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Khu vực nhà vệ sinh đảm bảo sạch sẽ, có đủ nước sạch, xà phòng rửa tay, giấy vệ sinh; vệ sinh khử khuẩn ít nhất 2 lần/ngày.

Kiểm tra thân nhiệt của khách hàng trước khi vào siêu thị

Đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định, hướng dẫn trong suốt quá trình vận chuyển. Người chế biến thực phẩm phải đeo khẩu trang, găng tay khi chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Tiến hành vệ sinh, khử khuẩn bề mặt bàn, ghế ngồi ngay sau mỗi lượt khách rời đi.

Theo Báo Hà Nội mới, trước đó, Bộ Y tế có Công văn hỏa tốc số 10315/BYT-DP gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Theo Bộ Y tế, từ tháng 3 đến hết ngày 3/12, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 147,5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó, vắc xin AstraZeneca có gần 48,7 triệu liều, vắc xin Pfizer và Moderna có gần 43,5 triệu liều; vắc xin Sinopharm có 48,7 triệu liều; vắc xin Abdala có hơn 5,1 triệu liều và vắc xin Sputnik V có hơn 1,5 triệu liều.

Trong tổng số hơn 147,5 triệu liều đã tiếp nhận, Bộ Y tế đã phân bổ 95 đợt với tổng số 140,5 triệu liều, còn khoảng 7 triệu liều mới tiếp nhận, đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng vắc xin. Tính đến sáng 5-12, Việt Nam đã tiêm được hơn 127,4 triệu liều vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên, trong đó có hơn 54 triệu liều mũi 2. 

Lâm Tới (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu