21:15 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp đầu mối báo cáo chi phí xăng dầu

Tuấn Minh (t/h) | 15:18 28/10/2022

(THPL) - Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối về việc tính toán và báo cáo chi phí tăng cao bất thường, thời gian từ tháng 6 đến 20/10, để cơ quan này có cơ sở xem xét điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu cho doanh nghiệp.

Báo Tiền phong đưa tin, theo thông tin từ Tổ điều hành thị trường trong nước, tại cuộc họp điều hành thị trường thường kỳ tháng 10, đại diện Bộ Công Thương và Tài chính đều nhận định, từ đầu tháng 3 đến nay, nhiều lệnh cấm vận dầu khí của Hoa Kỳ và các nước EU đối với Nga đã ảnh hưởng rất lớn tới nguồn cung, giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới, đặc biệt là xăng dầu.

Đến nay, hiện tượng thiếu cục bộ xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phía Nam đã dần được cải thiện so với tình hình cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hầu như vẫn mở cửa và thực hiện bán lại hàng ngay khi nhập được hàng, không có tình trạng găm hàng chờ nâng giá, trục lợi.

Theo ý kiến của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, hiện nay, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp chính là chi phí tăng cao thời gian qua. Do đó, Bộ Công Thương, đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu (chi phi kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức), chi phí phù hợp đảm bảo tỉnh đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp xăng dầu báo cáo chi phí tăng cao bất thường. Ảnh minh hoạ

Với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương đề nghị 3 vấn đề liên quan chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.

Bộ Công Thương cũng đề nghị tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ cho 16 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối để nhanh chóng thực hiện các thủ tục mua xăng dầu nhằm kịp thời bổ sung nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Ước tính tổng toàn bộ nhu cầu về hạn mức tín dụng, vay vốn, mua ngoại tệ của 16 doanh nghiệp cần khoảng 27.000 tỷ đồng.

Về việc vốn vay cho doanh nghiệp xăng dầu, đại diện Ngân hàng Nhà nước thông tin, ngày 26/10, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo về tình hình cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp xăng dầu thời gian qua và khả năng cung cấp vốn cho xăng dầu thời gian tới. Khi có báo cáo, Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh chính sách phù hợp với yêu cầu để góp phần ổn định nguồn cung xăng dầu, ổn định kinh tế vĩ mô.

Liên quan đến xăng dầu, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan này đã có công văn gửi các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối về việc tính toán và báo cáo chi phí tăng cao bất thường, thời gian từ tháng 6 đến 20/10. Việc yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo chi phí là cơ sở để Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu cho doanh nghiệp.

Cũng liên quan đến cung ứng xăng dầu, báo VTV News đưa tin, sáng ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giải trình, làm rõ trước Quốc hội về tình hình cung ứng xăng dầu trên phạm vi cả nước, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.

Bộ trưởng nhấn mạnh, cung ứng xăng dầu được giao cho 7 bộ, ngành, cơ quan chức năng tại 63 tỉnh, thành phố.

"Để có xăng dầu tới tay người tiêu dùng một cách thuận lợi, không chỉ cần sự vận hành thông suốt của 34 doanh nghiệp đầu mối, 332 thương nhân phân phối thuộc trách nhiệm cấp phép và quản lý của Bộ Công Thương mà cần có vai trò có tính chất quyết định của 17.000 đại lý, cửa hàng bán lẻ kinh doanh xăng dầu do chính quyền các tỉnh, thành phố cấp phép và quản lý", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Bộ trưởng nhấn mạnh, thị trường xăng dầu nước ta cơ bản được ổn định, tổng nguồn luôn không thiếu, giá cả hợp lý vào nhóm nước có mức bán lẻ thấp nhất trong khu vực và thế giới.

"Tuy nhiên, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ, hệ thống thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam là điều rất đáng tiếc và bất thường, bởi dù hoàn cảnh khó khăn giống nhau nhưng phần lớn các tỉnh, thành phố, nhất là phía Bắc và miền Trung thì không xảy ra như vậy", người đứng đầu ngành Công Thương nói.

Bộ trưởng cho biết, ngoài nguyên nhân khách quan từ thế giới như biến động tỉ giá, đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, còn nguyên nhân chủ quan trong nước do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khó tiếp cận vốn và bảo lãnh tín dụng của ngân hàng. Ngoài ra, trong bối cảnh khan hàng, nhiều chi phí phát sinh, định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật đầy đủ, phản ánh trong công thức tính giá khiến doanh nghiệp càng làm càng lỗ; tình trạng thiên tai bão lũ xảy ra cũng khiến các chuyến tàu, chuyến xe chở xăng dầu cung ứng cho bán lẻ chậm trễ.

"Việc cơ quan chức năng triệt phá thành công một số vụ buôn lậu, làm giả xăng dầu với số lượng lớn hàng chục nghìn m3 nên ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh xăng dầu", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu.

Cuối cùng, Bộ trưởng cho biết, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có tới 146/332 thương nhân phân phối, chiếm 44% cả nước. Qua khảo sát, ngành công thương thấy nhiều thương nhân ký hợp đồng mua hàng của nhiều doanh nghiệp đầu mối nhưng không thực hiện mua hàng thường xuyên, khiến doanh nghiệp đầu mối không thể chủ động hàng trong kỳ.

"Khi khan hàng, các thương nhân phân phối quay lại mua hàng để phân phối cho hệ thống bán lẻ của mình đương nhiên sẽ không còn cơ hội và vì thế cũng làm cho sự đứt gãy ở một số nơi", ông Diên nói.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu