17:01 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Tài chính: Cần thận trọng trong cải cách tiền lương

10:05 28/10/2022

(THPL) - Bộ Tài chính nhận định, việc cải cách chính sách tiền lương cần được thực hiện một cách thận trọng, hài hòa với các mục tiêu điều hành kinh tế - xã hội nói chung.

Tại kỳ họp thứ 4 đang diễn ra, Chính phủ trình Quốc hội tăng lương cơ sở cán bộ công chức, viên chức từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng một tháng, áp dụng từ 1/7/2023.

Theo báo Thanh niên, thảo luận tại tổ ngày 22/10 cũng như tại nghị trường hôm 27/10 về tình hình kinh tế - xã hội, một số đại biểu Quốc hội đề nghị sớm tăng lương cơ sở từ 1/1/2023, thay vì từ 1/7/2023. Giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại tổ về thời điểm tăng lương cơ sở, Bộ Tài chính cho rằng, nếu tăng lương sớm từ đầu năm sẽ gây khó khăn cho kiểm soát lạm phát.

Đầu năm gần với Tết dương lịch và Âm lịch, nhu cầu mua sắm của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh. Nếu tăng vào thời điểm này sẽ gây thêm sức ép lên điều hành giá, do tâm lý tăng lương đi kèm tăng giá, gây khó khăn cho kiểm soát lạm phát. "Trước nguy cơ lạm phát cao, việc cải cách chính sách tiền lương cần được thực hiện thận trọng, hài hòa với các mục tiêu điều hành kinh tế xã hội", Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Do đó, Chính phủ tiếp tục tham mưu các cấp thẩm quyền chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương trong năm 2023. Thay vào đó, đề xuất tăng lương cơ sở từ 1/7/2023 cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%). Mức tăng này được Bộ Tài chính đánh giá là cơ bản bù đắp mức độ trượt giá.

Theo Bộ Tài chính, tăng lương sớm từ 1/1/2023 sẽ khó kiểm soát lạm phát. Ảnh minh hoạ

Theo báo VnExpress, liên quan đến tinh giản biên chế, đổi mới tuyển dụng công chức, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022, toàn quốc có 39.550 công chức, viên chức thôi việc. Trong đó, lĩnh vực giáo dục có 16.400 người, cao nhất trong các ngành nghề; tiếp sau là y tế 12.200 người. Đa số người nghỉ việc có độ tuổi dưới 40, trong đó hơn nửa có trình độ đại học.

Tuy nhiên, trong hai năm rưỡi qua, cả nước tuyển dụng mới gần 144.000 công chức, viên chức. Riêng viên chức giáo dục được tuyển mới gần 74.500 người; y tế 38.100 người. Như vậy, số lượng công chức, viên chức thôi việc so với tổng biên chế là không lớn, nhưng tập trung ở lĩnh vực trọng điểm, liên quan đến yếu tố chăm lo con người.

Bà Trà nêu hàng loạt nguyên nhân công chức, viên chức thôi việc, như thị trường lao động phát triển, có kết nối, vận hành đồng bộ, tương tác thông suốt giữa các khu vực, vùng, trong nước và quốc tế. Công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang tư là yếu tố khách quan, trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động. Xu hướng này tạo động lực thúc đẩy nhanh hơn sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa khu vực công và tư, tạo động lực để khu vực công cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức.

Ngoài nguyên nhân khách quan nói trên, còn có nguyên nhân chủ quan là thu nhập của công chức, viên chức thấp hơn khu vực tư dù có cùng trình độ. Áp lực của họ ngày càng nhiều, môi trường làm việc một số nơi chưa tạo động lực phát huy năng lực. Quản trị khu vực công vẫn theo lề lối cũ, trong khi doanh nghiệp tư nhân có nhiều cách khích lệ lao động, ghi nhận kịp thời cống hiến của họ.

"Công chức, viên chức thôi việc hàng loạt trong hai năm rưỡi qua là điều cần nhìn nhận nghiêm túc, là vấn đề đáng quan ngại. Khu vực công cũng cần hoàn thiện thể chế, hướng tới đổi mới tiến bộ, công bằng, cạnh tranh lành mạnh", Bộ trưởng Nội vụ nói.

Bà Trà thông tin, cùng với tăng lương cơ sở, chuẩn bị các điều kiện để cải cách chính sách tiền lương, các cơ quan sẽ tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy để tinh giản biên chế; đổi mới tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí cán bộ. Tất cả đều đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ. Bộ cũng sớm xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng người tài, chuyên gia trong các ngành, lĩnh vực của cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng xác định xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất, năng lực, uy tín, gương mẫu, tạo niềm tin cho cán bộ, công chức, viên chức. Môi trường làm việc cũng sẽ được đổi mới theo hướng dân chủ, thân thiện, đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại, tạo điều kiện để công chức, viên chức thể hiện tài năng; đồng thời đổi mới lề lối làm việc để phát huy tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tuấn Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu