01:53 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ GD&ĐT đề nghị lùi lộ trình tăng học phí từ mầm non đến đại học

17:29 18/09/2023

(THPL) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị điều chỉnh lộ trình tăng học phí các bậc học chậm lại một năm so với lộ trình quy định tại Nghị định 81/2021.

Tại tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) gửi Chính phủ về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 quy định cơ chế thu, quản lý học phí các trường đại học và địa phương cả nước, Bộ đề nghị điều chỉnh lộ trình tăng học phí chậm lại một năm so với lộ trình quy định tại Nghị định 81. Nghĩa là, mức thu học phí vẫn thay đổi nhưng sẽ tăng ít hơn. Cụ thể, mức học phí năm học 2023-2024 sẽ bằng mức năm học 2022-2023 trong Nghị định 81.

Nghị định số 81/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành từ ngày 27/8/2021 và có hiệu lực từ ngày 15/10/2021. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, do dịch bệnh Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165/2022/NQ-CP ngày 20/12/2022 về học phí của các cơ sở GD&ĐT công lập năm học 2022-2023. Theo đó, mức học phí của cơ sở giáo dục công lập tiếp tục được giữ ổn định so với năm học 2021-2022, giữ ổn định trong 3 năm qua.

Theo lộ trình của Nghị định 81, mức trần học phí giáo dục đại học công lập năm học 2023-2024 sẽ tăng bình quân 45,7% so với năm học 2022-2023, đặc biệt khối ngành y dược tăng 93%, khối ngành nhân văn, khoa học xã hội tăng 53%.

Bộ GD&ĐT đề nghị lùi lộ trình tăng học phí. Ảnh minh hoạ

Liên quan đến vấn đề tăng học phí, qua phản ánh và thảo luận, góp ý của các cơ quan trung ương, địa phương, học phí năm học 2023-2024 cần phải được điều chỉnh tăng để đảm bảo nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế, ngân sách chỉ thường xuyên bị cắt giảm hằng năm.

Đặc biệt đối với trường công, thu từ học phí chiếm tỷ trọng chủ yếu (trên 80% tổng nguồn thu của trường), khả năng khai thác từ các nguồn thu khác còn rất hạn chế. Việc hợp tác, chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết giữa cơ sở giáo dục đại học còn chậm triển khai.

Nhiều đại học đề nghị cần được áp dụng mức thu học phí theo lộ trình quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP để có thể bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu học phí năm học 2023-2024 thực hiện theo mức quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP sẽ gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh, tạo phản ứng của dư luận xã hội.

Theo đó, hầu hết các ý kiến thống nhất đề nghị cần tăng học phí so với năm học 2022-2023 nhưng có thể chậm lại 1 năm so với lộ trình tăng học phí theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Tức là thay vì áp khung học phí năm học 2023-2024 theo Nghị định 81 các trường sẽ thu theo mức học phí năm 2022-2023 của nghị định này.

Tại tờ trình, Bộ GD&ĐT cũng trình bày tác động của việc áp dụng mức học phí lùi một năm đối với chỉ số giá tiêu dùng CPI. Theo Bộ GD&ĐT, năm học 2022-2023 do không áp dụng thu học phí theo Nghị định 81 nên không tác động đến chỉ số CPI 8 tháng đầu năm 2023.

Bộ GD&ĐT cũng thông tin: "Theo ý kiến của Tổng cục Thống kê, nếu các địa phương áp dụng mức sàn học phí lùi 1 năm theo quy định của Nghị định 81 thì sẽ tác động làm CPI bình quân cả nước năm 2023 tăng khoảng 1,4 điểm phần trăm. Còn nếu áp dụng theo đúng Nghị định 81, cả năm 2023 sẽ tăng khoảng 2,3 điểm phần trăm".

Đối với người học, việc dự kiến lùi 1 năm tăng học phí so với quy định cũng giảm áp lực về tài chính cho gia đình. Sau khi Bộ GD&ĐT đề xuất, Chính phủ sẽ là cơ quan quyết định phương án cuối cùng.

Trước đó, hồi tháng 5, Bộ GD&ĐT đã đề xuất với Chính phủ việc tăng học phí năm học 2023-2024 theo lộ trình lùi một năm so với Nghị quyết 81. Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT lấy ý kiến các cơ sở giáo dục đại học, các địa phương, nghiên cứu kỹ đánh giá tác động của vấn đề học phí.

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu