15:34 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Phát hiện và tạm giữ hơn 100 nghìn sản phẩm không hoá đơn chứng từ tại Bình Dương

Tuấn Linh | 17:01 02/12/2022

(THPL) - Qua kiểm tra, lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương đã phát hiện 2 container chứa hơn 100.000 đơn vị sản phẩm các loại có dấu hiệu nhập lậu, không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Cục QLTT Bình Dương cho biết, nhận được tin báo của Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 - Cục QLTT tỉnh Bình Dương đã phối hợp cùng Cục Cảnh sát giao thông, Đội Cảnh sát kinh tế và Ma túy Công an thành phố Dĩ An, tiến hành khám điểm tập kết hàng hóa của Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội – Chi nhánh dịch vụ vận tải đa phương thức tại Ga Sóng Thần, phường An Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Tiến hành khám nơi cất giấu hàng hóa trong 02 container số 529827-7 và 528395-5, ghi nhận có 102.399 đơn vị sản phẩm các loại (quần áo, giày dép, linh kiện điện tử, mỹ phẩm, đồ chơi kích dục, dụng cụ gia đình…) với nhiều chủng loại, tổng trị giá ước tính lên đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, từ thời điểm kiểm tra đến nay, chủ lô hàng chưa xuất hiện và người đại diện bên vận chuyển cũng không cung cấp được hóa đơn, chứng từ xuất xứ nguồn gốc lô hàng "khủng" này.

Lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ hơn 100 nghìn sản phẩm không hoá đơn chứng từ tại Bình Dương. Ảnh: Internet

Theo đơn vị vận tải, toàn bộ hàng hóa nêu trên được vận chuyển từ ga Yên Viên vào ga Sóng Thần tỉnh Bình Dương. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện phía lô hàng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp đối với hàng hóa nêu trên. Ngay sau đó, lực lượng CSGT và Quản lý thị trường cùng các đơn vị phối hợp đã tiến hành niêm phong, lập biên bản tạm giữ hàng hóa để tiếp tục xác minh làm rõ.

Liên quan đến hàng hoá vi phạm, cơ quan QLTT cho biết, hàng giả, hàng nhái phần lớn có nguồn gốc từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Do được sản xuất với quy mô lớn, không yêu cầu về chất lượng, chỉ cần bảo đảm "ngoại hình" giống hàng thật nên hàng giả, hàng nhái có giá thành thấp. Loại hàng hóa trái phép này thường được vận chuyển bằng đường bộ qua Campuchia, Lào để xâm nhập Việt Nam; việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn do không ít trường hợp không xác định được chủ hàng.

Dịp cuối năm, cùng với sức nóng của thị trường bán lẻ, hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái tại TP.HCM cũng sôi động bất chấp nhiều vụ việc bị phát hiện, xử lý. Do đó, Tổng cục QLTT xác định các tụ điểm lớn, nổi tiếng về kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc trên địa bàn TP.HCM sẽ tiếp tục được đưa vào lộ trình kiểm tra trong thời gian tới. Đặc biệt, Tổng cục QLTT sẽ chỉ đạo tổ chức các tổ giám sát sau kiểm tra để tránh tình trạng khi cơ quan chức năng rời đi, việc buôn bán trái phép lại tiếp diễn.

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cũng đã ký ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023. Theo đó, Tổng cục QLTT yêu cầu cục QLTT các tỉnh, thành phố xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm liên quan đến buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để tập trung thực hiện có hiệu quả kế hoạch đấu tranh, phòng chống.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại những kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới; yêu cầu các đơn vị liên quan ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng; kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm

Tuấn Linh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu