12:57 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Bát nháo hàng khuyến mãi Tết

23:07 22/01/2017

Theo thông lệ, vào mỗi dịp năm hết Tết đến, các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh phân phối hàng hóa đều áp dụng chương trình giảm giá, khuyến mãi “khủng” nhằm kích cầu người tiêu dùng.

Bên cạnh những mặt hàng bảo đảm chất lượng, hiện có không ít các mặt hàng quá đát, cận đát, hàng nhái, hàng kém chất lượng,… được các tiểu thương, người kinh doanh cố tình trà trộn nhằm “móc túi” khách hàng.

Nhộn nhịp thị trường Tết

Tại hệ thống siêu thị điện máy Media Mart, hàng loạt các bảng băng-rôn, khẩu hiệu quảng cáo về các chương trình khuyến mãi được treo khắp mọi nơi: giảm giá lớn, khuyến mãi “khủng”, ưu đãi ồ ạt đồng loạt giảm giá; khuyến mãi tưng bừng, cơ hội mua sản phẩm giá rẻ nhất trong năm,… Trong đó, hàng loạt các sản phẩm được giảm giá từ 10 đến 49% như ti-vi Sharp loại 65UE630X giảm 34% xuống còn 28,9 triệu đồng (giá cũ 44 triệu đồng); ti-vi Sony 65X8500D, giảm 9 triệu đồng, xuống còn 50,9 triệu đồng... Tương tự, tại hệ thống siêu thị Co.op mart (quận Hà Đông, Hà Nội), hàng loạt các mặt hàng như hóa mỹ phẩm, dầu ăn, nước lau sàn,… đều được áp dụng chương trình giảm giá từ 10 đến 40% hoặc mua hàng với hóa đơn hơn 300 nghìn đồng, 500 nghìn đồng sẽ được nhận ngay các phần quà tương ứng.

Giáp Tết nhiều siêu thị đua nhau khuyến mãi "khủng".

Đề cập tới câu chuyện giảm giá dịp cuối năm, anh Trần Quốc Hạnh, quản lý một siêu thị điện máy khu vực quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, vào các dịp lễ lớn, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, các siêu thị, trung tâm thương mại đều có chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu mua sắm hàng hóa. Để làm được điều này, các siêu thị phải xây dựng hàng loạt các chính sách hỗ trợ khách hàng, trong đó, các doanh nghiệp (DN) sản xuất phải tham gia chương trình ra sao, hỗ trợ về giá cho khách hàng như thế nào, chiết khấu lợi nhuận để tổ chức các dịp khuyến mãi, vui chơi có thưởng,… nhằm thu hút khách hàng cũng như nâng cao uy tín, thương hiệu của chính DN và các siêu thị.

Cũng theo anh Hạnh, các sản phẩm được bày bán trong các chương trình khuyến mãi rất phong phú, đa dạng, từ những sản phẩm cao cấp, đang thu hút sự chú ý của nhiều người tiêu dùng cho đến những sản phẩm bình dân, lỗi mốt,… Xuất phát từ việc này mà các DN tính toán hơn thiệt để điều chỉnh mức giảm giá bán đối với từng dòng sản phẩm riêng biệt. Chẳng hạn sản phẩm đông khách mua sẽ giữ nguyên giá, hoặc có điều chỉnh giảm chút ít; đối với những sản phẩm sản xuất lâu ngày, bị lỗi mốt sẽ được điều chỉnh giảm giá bán mạnh, từ 30 đến 40%, thậm chí 60 đến 70% nhằm “đẩy” hàng tồn, thu hồi vốn nhanh phục vụ quá trình tái đầu tư sản xuất.

Anh Hạnh cũng cho biết thêm, các sản phẩm điện máy mới, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về mặt chất lượng, bởi khi hàng xuất kho đều có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà sản xuất và sự giám sát của các cơ quan chức năng, còn đối với những hàng sản xuất lâu ngày không thể yêu cầu chất lượng cao được. Khi đó, chất lượng tốt hay không lại phụ thuộc vào cách bảo quản, bảo dưỡng của các đại lý. “Không ít trường hợp sản phẩm bị lỗi trong quá trình sử dụng nhưng đã hết thời gian đổi, trả hàng được các đại lý mua lại, tân trang như mới 100% đem bán, lừa dối khách hàng. Đó mới chỉ là về lĩnh vực máy móc, điện tử, đối với những mảng khác như lĩnh vực an toàn thực phẩm, người kinh doanh cố tình trà trộn hàng hết đát, bán hàng cận đát, sản phẩm kém chất lượng có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng lại càng khó phát hiện, xử lý” - anh Hạnh nhấn mạnh.

Tiếp tục khảo sát chúng tôi thấy, không chỉ những siêu thị, hệ thống điện máy có vốn đầu tư lớn, hoạt động cung ứng sản phẩm theo chuỗi mà trên mỗi phố phường, ở bất kỳ đâu, người đi đường đều dễ dàng được chứng kiến các băng-rôn, khẩu hiệu khuyến mãi, giảm giá bán sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên đán.

Chị Nguyễn Phương Anh, nhân viên cửa hàng bày bán sản phẩm dệt may trên phố Chùa Bộc (quận Đống Đa) cho biết: "Từ khi áp dụng giảm giá bán hàng từ 20 đến 45% (sản phẩm thuộc loại xả hàng giảm tới 75%) so với giá niêm yết, cửa hàng luôn trong tình trạng người ken kín, nhiều lúc nhân viên không có sức mà bán. Hiện, lượng hàng bán ra đã chiếm hơn hai phần ba lượng hàng tích trữ, trong đó, có một số sản phẩm cửa hàng tiếp tục đặt hàng từ phía nhà sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng".

Tăng cường kiểm soát thị trường

Trong vài năm trở lại đây, khi thu nhập của người dân từng bước được cải thiện khiến nhu cầu mua sắm, đặc biệt là dịp cuối năm thường tăng cao. Nắm bắt được tâm lý này, các DN, nhà sản xuất đều có kế hoạch, chiến lược phát triển sản phẩm hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Bên cạnh những DN làm ăn chân chính, hiện có không ít DN, người kinh doanh buôn bán vì lợi nhuận mà bất chấp các thủ đoạn để tuồn những sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, không bảo đảm an toàn ra thị trường và gây hại tới sức khỏe con người.

Liên quan tới vấn đề nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng: "Đối với những DN, Tổng Công ty nhà nước có uy tín họ làm ăn tử tế, đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên hàng đầu, đồng nghĩa với lợi ích của DN. Thế nhưng, cũng có không ít bộ phận cố tình làm ăn gian dối, xâm hại tới quyền lợi của người tiêu dùng. Chính vì vậy, chúng ta cần phải làm tốt công tác quản lý, đặc biệt là quản lý thị trường. Nếu không hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái rất dễ lọt vào các kênh phân phối để đến tay khách hàng".

Cũng theo ông Phú, câu chuyện bảo đảm an toàn, chất lượng hàng hóa đã được nói và làm hàng chục năm nay nhưng mọi chuyện dường như vẫn “dẫm chân tại chỗ”. Trong khi đó, các cửa hàng bán lẻ, hàng rong với những mặt hàng như nông sản, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán và người dân vẫn “vô tư” mua về dùng. Trên thị trường hiện có hàng nghìn sản phẩm nhưng đã đến lúc cần phải chọn ra một vài mặt hàng cụ thể, chẳng hạn như rau, quả, gạo, thịt, cá để làm cho dứt điểm. Trong đó, phải làm thành chuỗi cùng với việc nâng cao công tác quản lý hàng nhập khẩu để bảo vệ sức khỏe người dân. Nhà nước phải tạo các cơ chế, chính sách, đầu tư cho chăn nuôi, trang trại, phát triển thương hiệu, nhãn mác sản phẩm,… để từ đó mới có thể kiểm soát chất lượng sản phẩm từ trang trại, phân phối cho tới bàn ăn. Muốn làm được việc đó, chúng ta phải xây dựng được kỷ cương, kỷ luật tự giác thị trường, gắn trách nhiệm với mỗi cá nhân cụ thể. Chứ không thể làm theo kiểu qua loa, lấy lệ để rồi đâu lại hoàn đó mãi được.

Đề cập tới các chương trình khuyến mãi, giảm giá, ông Phú cũng cảnh báo, người dân cần thật sự sáng suốt trong lựa chọn, mua bán sản phẩm. Bởi vì không ít trường hợp người ta có thể nâng lên hạ xuống không biết đâu mà lần. Thậm chí, mang tiếng là mua hàng giảm giá nhưng lại đắt hơn giá thường. Ngoài ra, có những mặt hàng được đem trưng bày, giới thiệu sản phẩm nhưng sau một hai năm lại được đóng gói mới để bán cho khách hàng,… Do vậy, phải có sự quản lý chặt chẽ, từ phía các cơ quan chức năng, bảo vệ người tiêu dùng, mà trách nhiệm cụ thể ở đây là Sở Công thương, người đứng đầu các quận, huyện, xã, phường,…

Liên quan tới công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm trong hệ thống, đại diện của Saigon Co.op (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Co.op mart) khẳng định, chỉ yêu cầu các đơn vị sản xuất cung cấp các chứng từ pháp lý cơ bản như: Giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, số hồ sơ công bố chất lượng, kết quả kiểm định chất lượng,.. theo hướng dẫn của các thông tư, nghị định của Nhà nước. Yêu cầu này nhằm bảo đảm chất lượng và xuất xứ hàng hóa theo quy định. Khi phối hợp thực hiện chương trình khuyến mãi cho khách hàng, Saigon Co.op giảm lãi từ 10% đến 20% cùng với nhà cung cấp để thực hiện khuyến mãi sản phẩm dành cho khách hàng. Trong một số sự kiện lớn, Saigon Co.op phải bỏ thêm khoảng 30% đến 100% giá trị sản phẩm để cùng nhà cung cấp thực hiện chương trình khuyến mãi.

Theo Nhân dân

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu