07:46 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bàn tròn kinh tế Việt Nam 2021: Vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, tạo đà tăng trưởng

09:51 15/02/2021

(THPL) - Năm 2020 là một năm đặc biệt không chỉ với Việt Nam và thế giới khi dịch Covid-19 bùng phát và lây lan, đến giờ đã trở thành đại dịch toàn cầu. Hệ luỵ của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế thế giới rất lớn khi hàng loạt doanh nghiệp phá sản, nhiều quốc gia dự kiến tăng trưởng GDP âm hoặc sụt giảm mạnh, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, tạo đà tăng trưởng, đây thực sự là những kim chỉ nam cho mỗi doanh nghiệp, thành phần kinh tế, lĩnh vực để vực dậy nền kinh tế. Xung quanh vấn đề này, TH&PL đã có cuộc trò chuyện với TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV và Chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập Nguyễn Trí Hiếu.

LTS: Việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 là cơ sở để góp phần cho Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng dương. Song, đồng hành cùng với đó, cấp thiết là những chính sách kinh tế phù hợp, đủ mạnh, là những gói hỗ trợ của Chính phủ. Tất nhiên, trong bức tranh kinh tế màu xám, mọi thành phần kinh tế phải tự tìm cho mình những “lối thoát” để tự vực dậy, thưa ông?

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh: “Việt Nam có đủ mọi yếu tố để trở thành thỏi nam châm hấp dẫn”

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh. Ảnh: Hồng Phúc

Tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là khống chế dịch một cách hiệu quả. Không những thế, đó còn là tiếp tục thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ cùng các biện pháp bổ sung như kéo dài thời hạn xử lý nợ và đóng thuế, phí, giảm thuế, phí cùng hỗ trợ một số công ty và tập đoàn lớn, và đặc biệt là “biết” lắng nghe doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp, cần phải biết nắm bắt cơ hội, tận dụng những lợi thế và phải biết nhìn ra xu thế để nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng phải đúng chuẩn mức, đúng tiêu chuẩn và pháp lý. Phải nâng cao tinh thần hợp tác giữa với các doanh nghiệp, đối tác. Các doanh nghiệp cần phải sáng tạo, chuyển động cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số để có những sản phẩm mới, giải pháp đi kèm và tương tác khách hàng. Bên cạnh đó, là những kỹ năng và phương thức sản xuất kinh doanh “thông minh hoá” quản trị và quy trình sản xuất kinh doanh, “tối ưu hoá” chuỗi cung ứng, tối ưu hoá tương tác. Xây dựng thương hiệu và trách nhiệm xã hội.

Về ngắn hạn, lãi suất giảm, thông tin dịch bệnh cùng với kỳ vọng phục hồi sẽ làm tăng đầu cơ và tâm lý đám đông. Về dài hạn, khi kinh tế thực sự đi vào phục hồi, thị trường theo dòng thông tin các nền tảng cơ bản như việc nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường minh bạch và chống gian lận, cung “hàng hoá” (cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước…).

Tất nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều thách thức và điểm nghẽn ở quy hoạch và pháp lý, trình tự và thủ tục được kiểm soát chặt chẽ hơn nhất là trong cấp phép và tạm dừng dự án, ở việc tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai (Giấy phép mặt bằng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tiền sử dụng đất…); thông tin (tính đầy đủ và minh bạch), xử lý tranh chấp…

Tôi cho  rằng, bây giờ là “thời” của đầu tư dài hạn, không phải cho đầu cơ, cẩn trọng với đòn bẩy tài chính. Mặc dù việc tiếp cận vốn thuận lợi hơn nhưng đừng quá kì vọng vào đòn bẩy tài chính, mà phải kỳ vọng sự phát triển tại các tỉnh, sự vào cuộc của các tập đoàn, công ty lớn. Tôi cho rằng, dù vẫn dịch bệnh, song Việt Nam có đủ mọi yếu tố để trở thành thỏi nam châm hấp dẫn.

TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV: Đang nổi lên các xu hướng đầu tư - kinh doanh mới trong và sau dịch COVID-19.

Đó là xu hướng đầu tư vào những tài sản an toàn hơn như vàng hay trái phiếu. Thứ hai là xu hướng mua bán và sáp nhập (M&A) dự báo sẽ tăng mạnh do yêu cầu phải tái cơ cấu toàn diện từ ảnh hưởng của COVID-19. Bên cạnh đó, đã diễn ra xu thế cắt giảm chi phí và nhân sự cùng với việc chuyển đổi kinh doanh số. Ngoài ra, còn có một xu thế đáng chú ý là xu thế thay đổi chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị.

Với mục tiêu duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn dịch bệnh cùng với xu thế CMCN 4.0 hiện nay, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã và đang tổ chức hoạt động, kinh doanh trên nền tảng tự động hóa, phát triển tài chính số, ngân hàng số, Fintech, thương mại điện tử… Theo đó, các dịch vụ hỗ trợ sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhanh như kho vận (logistics), giao hàng nhanh (fast shipping), đóng gói, cung ứng nền tảng (platforms), livestream sự kiện, an ninh mạng ...

Ngoài ra, cơ hội xuất hiện từ xu thế tăng đầu tư công, nhất là đầu tư giải quyết an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, hạ tầng ICT, dịch vụ y tế, giáo dục, ứng phó biến đổi khí hậu... Những khoản đầu tư này đang được các nước quan tâm thực hiện vì chúng vừa có tác động tích cực ngắn hạn (thúc đẩy tăng trưởng) cũng như tạo tiền đề phát triển lâu dài.  

Theo tôi, cơ hội đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế, chăm lo sức khỏe, dược phẩm, sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường đã, đang và mở rộng hơn.

Xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư đã và đang diễn ra. Xu thế này còn tiếp diễn vì quá trình dịch chuyển thường diễn ra ít nhất khoảng 1-3 năm, các doanh nghiệp tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt khi Chính phủ có động thái khuyến khích, hỗ trợ… Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị tâm thế, hạ tầng và dịch vụ khu công nghiệp, nguồn nhân lực và cơ chế, chính sách tốt hơn để lường đón và tận dụng cơ hội này.

Trong thời gian tới, nhà đầu tư có nhiều cơ hội để xem xét đầu tư chứng khoán và bất động sản. Mặc dù đây vẫn được xem là những kênh đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với các tài sản an toàn như vàng, trái phiếu chính phủ hay gửi tiết kiệm ngân hàng, nhưng đi kèm với rủi ro luôn là lợi nhuận.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Covid-19 có dấu hiệu quay trở lại, cần thành lập tổ hợp tín dụng để "cứu" doanh nghiệp”.

Chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: Kinhtetieudung

Các ngân hàng đang có hàng loạt chương trình, gói vay tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất thấp nhưng doanh nghiệp vẫn “than” không tiếp cận được. Vì thế, để tìm ra giải pháp thiết thực nhất để “cứu” doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 có dấu hiệu quay trở lại, Chính phủ cần một kế hoạch cụ thể vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh.

Hiện nay, dư địa giảm lãi suất không còn nhiều. Tuy nhiên, vấn đề giảm lãi suất nếu quyết tâm muốn giảm vẫn giảm được. Song giảm đến mức nào để hợp lý thì phải tính toán kỹ. Bởi, nếu giảm lãi suất sâu quá, người dân sẽ rút tiền để đổ tiền vào các kênh khác sinh lời cao hơn. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc vấn đề lãi suất huy động ở các ngân hàng ở mức nào, tiền gửi của khách hàng vẫn được bảo đảm. Nếu tính về mặt vĩ mô, hiện vẫn có thể giảm thêm khoảng 1% lãi suất huy động nữa.  

Trong bối cảnh dịch bệnh có thể trở lại một lần nữa, nền kinh tế cần phải có một sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn, nghĩa là các ngân hàng cần phải giảm thêm lãi suất để giảm chi phí, gánh nặng cho doanh nghiệp, để vay một cách hiệu quả hơn.

Tôi đã nhiều lần đề xuất Chính phủ nên thành lập tổ hợp tín dụng. Tổ hợp tín dụng này yêu cầu tất cả các ngân hàng cùng tham gia, từ các ngân hàng trong nước đến các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Tổ hợp này sẽ có hạn mức tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng, tương tự gói hỗ trợ đầu tiên Ngân hàng Nhà nước giao cho các ngân hàng. 

Tổ hợp này sẽ cho vay theo hình thức cho vay tín chấp, tức doanh nghiệp không cần phải có tài sản đảm bảo, với lãi suất phải rất thấp, chỉ từ 3 - 5%/ năm. Năm đầu ân hạn nợ gốc và chỉ trả lãi. Khoản vay có kỳ hạn khoảng 5 năm. Phương pháp vay tuần hoàn, 2 năm đầu vay lại trả. Đến cuối năm thứ 2 dư nợ trả dần cho 3 năm sau hoặc cho đến khi nào hết. Đây sẽ là cung nguồn tiền vô cùng quý giá, để các doanh nghiệp “xây đắp” lại phát triển kinh tế của mình.

LTS: Thưa ông, kinh tế thị trường là cơ hội và cả sự rủi ro. Bên cạnh những hỗ trợ của Chính phủ, dù đúng và trúng song không có nghĩa không tiềm ẩn những “biến số xấu”, hai mặt của sự phục hồi và phát triển lại?

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh: “Dịch bệnh đang làm phức tạp các chuỗi giá trị lên nhiều lần”

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi các xu hướng kinh tế lớn từ trước đó, bao gồm: xung đột giữa các nước lớn, tiêu dùng, chuyển đổi số, biến đổi khí hậu và hội nhập. Một số nội hàm kinh tế sẽ có yếu tố tích cực hơn, một số lại trở nên phức tạp hơn.

Như xu hướng tích cực về chuyển đổi số, tiêu dùng xanh, sử dụng năng lượng tái tạo đã được "thúc" mạnh hơn. Tuy nhiên, một số xu hướng trở nên phức tạp hơn điển hình như cạnh tranh về nguồn lực, mâu thuẫn giữa tự do hóa thương mại đầu tư và chủ nghĩa bảo hộ...

Đặc biệt, chuỗi giá trị truyền thống trước đây chỉ được tạo nên bởi 3 yếu tố: tự do hoá, lợi thế so sánh và chi phí vận chuyển, nay đang phức tạp các chuỗi giá trị lên rất nhiều, khi thêm các yếu tố về sức truyền tải lao động,  chi phí thêm, cạnh tranh bảo hộ, biến động độc quyền vân vân. Tất cả các yếu tố này làm biến động giá trị dịch chuyển dòng vốn và cả sự đầu tư.

TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV: “Bối cảnh khó khăn, nhưng không vì thế cứ lao vào những kênh lắm rủi ro”.

Với đa số nhà đầu tư cá nhân, tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư hiệu quả do tính an toàn, ổn định và rủi ro thấp. Đối với kênh ngoại tệ, có lẽ nhà đầu tư không nên nắm giữ do mức lợi nhuận mang lại không đáng kể khi tỷ giá thời gian tới được dự báo tiếp tục ổn định, mức giảm giá VND so với USD sẽ không quá 1% cả năm 2020 và khoảng 1-2% năm 2021.

Kênh bất động sản và thị trường chứng khoán là tương đối tiềm năng với các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao hơn. Tuy nhiên, các đặc điểm chung là các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ, thông tin thị trường kém minh bạch, tâm lý đám đông, hiện tượng đẩy giá... khiến 2 thị trường này dễ biến động và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, các nhà đầu tư nên chủ động tự nâng cao kiến thức về thị trường cũng như năng lực, phân tích, ra quyết định để bảo vệ, đảm bảo lợi ích của chính mình.

Dẫu biết bối cảnh hiện này là khó khăn và thách thức với đa phần các chủ thể trong nền kinh tế Việt Nam, nhưng doanh nghiệp và nhà đầu tư không nên vì thế mà tham gia đầu tư vào các kênh tiềm ẩn nhiều rủi ro như tín dụng đen, đầu tư đa cấp, cho vay qua apps... Có thể thấy thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã chịu thiệt hại nặng nề do tham gia những kênh đầu tư “tiền ngay” những cũng đầy rủi ro này. 

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: “Hệ lụy và nợ xấu khi nới lỏng điều kiện cho vay”

Chúng ta đang kiểm soát tốt lạm phát. Dù giá điện, giá thực phẩm, giá y tế đều tăng nhưng do tổng cầu yếu nên cơ bản lạm phát được kiểm soát.

Ngoài ra, lãi suất giảm thường làm tín dụng tăng khi người dân sẽ đi vay nhiều hơn. Tuy nhiên, tín dụng 9 tháng lại không cho thấy điều này. 9 tháng tín dụng chỉ đạt 6,09%. Công cụ lãi suất chưa thực sự hiệu quả như mong muốn. Đáng lý, công cụ lãi suất sẽ được các ngân hàng trung ương sử dụng để đẩy tiền vào lưu thông, người dân vay tiền mua xe, mua nhà, tiêu dùng… khiến tín dụng tăng. Tuy nhiên, với Việt Nam hiện tại, chúng ta giảm lãi suất nhưng tín dụng không tăng nên không có lượng tiền lớn được đưa vào lưu thông, lạm phát vẫn không tăng mạnh.

Để tăng trưởng tín dụng, tất nhiên các ngân hàng phải nới lỏng điều kiện cho vay. Tuy nhiên, sẽ dẫn tới hệ luỵ về nợ xấu. Vì vậy, việc thận trọng của ngân hàng lúc này được cho là hợp lý.

Muốn đẩy tín dụng ra thời điểm hiện tại không chỉ qua hệ thống ngân hàng mà cần có một tổ hợp tín dụng đi kèm với bảo lãnh tín dụng.

LTS: Chúng ta sẽ có niềm tin như thế nào trong năm tới? Sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế cần dựa trên những chỉ số “thực” hơn là những “phần nổi” kinh tế trước đây, mong manh và dễ vỡ, một thực tế về sự muốn phục hồi kinh tế bằng mọi giá, thưa ông?

Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh: “Còn đó nhiều kênh đầy triển vọng”.

Theo tôi có ba điểm tựa để phục hồi phát triển kinh tế Việt Nam. Trước hết là sản xuất và xuất khẩu. Đây cũng là động lực duy trì tăng trưởng dương cho nền kinh tế. Cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới với các đối tác truyền thống sẽ tiếp tục là nền tảng tốt cho xuất khẩu Việt Nam trong năm 2021. Điểm tựa thứ hai, đến từ lĩnh vực đầu tư công với nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh trên cơ sở điều hành quyết liệt của Chính phủ và khung khổ pháp lý rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, điểm tựa thứ ba từ nguồn lực đầu tư của khu vực tư nhân, trong đó đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 

Hiện nay, các chuỗi cung ứng có xu hướng dịch chuyển sang những quốc gia có chi phí thấp hơn và Việt Nam có nhiều khả năng được hưởng lợi từ đó. Bên cạnh đó, các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thuỷ sản, bán lẻ, du lịch, giải trí, y tế, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ, bất động sản, hạ tầng, khởi nghiệp sáng tạo… tiếp tục thu hút dòng đầu tư kinh doanh trong năm 2021.

TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV: “Bất động sản sẽ phục hồi mạnh mẽ”.

TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV. Ảnh: Chí Cường

Bước sang năm 2021, nguồn vốn đầu tư vào BĐS sẽ hồi phục mạnh mẽ căn cứ vào nhiều yếu tố như kinh tế tăng trưởng và khả năng tăng thu nhập của người dân. Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục được thu hút mạnh nhờ xu hướng chuyển dịch đầu tư và các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, đi vào thực thi hiệu quả. Cùng với đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng kỳ vọng được nâng hạng trong một vài năm tới cũng như Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2021 sẽ tạo điều kiện thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vốn đầu tư tư nhân phát triển, kể cả quỹ tín thác đầu tư bất động sản.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Ngân hàng Việt Nam có thể niêm yết thành công cổ phiếu trên sàn chứng khoán nước ngoài”.

Trong bối cảnh tương lai vẫn tương đối bất định, song nhiều định chế tài chính thế giới vẫn lạc quan dự báo kinh tế Việt Nam sẽ nhanh chóng phục hồi trong năm 2021 và đạt được mức tăng trưởng khá cao

Chẳng hạn như IMF dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 là 7%. Như vậy có thể thấy, đây là cơ hội rất lớn của Việt Nam, nếu tiếp tục duy trì được đà khôi phục nền kinh tế như hiện nay, cũng như cho cả năm 2021 và những năm tiếp theo. Một nền kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng tốt sẽ là “bệ đỡ” để các ngân hàng Việt có thể niêm yết thành công cổ phiếu trên sàn chứng khoán nước ngoài.

Xin cảm ơn các ông về cuộc trao đổi này!

Phương Linh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu