“Tiếp lửa” cho các làng nghề truyền thống trên “Đất trăm nghề”
(THPL) - Hà Nội được mệnh danh là “Đất trăm nghề” với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Tuy nhiên, nhiều tiềm năng, lợi thế của ngành chưa được khơi dậy mạnh mẽ. Để tháo gỡ những điểm nghẽn, Hà Nội đã và đang tập trung nhiều giải pháp tạo thuận lợi, “tiếp lửa” cho các làng nghề phát huy hiệu quả tiềm năng, giá trị, tỏa sáng tinh hoa, sức sống trong kỷ nguyên hội nhập. Nổi bật trong đó là giải pháp xây dựng, phát triển mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Từ yêu cầu bức thiết của thực tiễn…
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung có nhiều năm gắn bó, tâm huyết gìn giữ, phát triển nghề mây tre đan truyền thống tại làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Từ thực tiễn sản xuất tại làng nghề, ông thấy rõ hoạt động sáng tạo, thiết kế mẫu sản phẩm có vai trò quyết định đến năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Ông chia sẻ: “Năm 2022, tôi từng sáng tạo sản phẩm hộp đựng trà có lõi bằng ống tre, bọc bằng vỏ thân cây đu đủ, mang tính thẩm mỹ, thân thiện với môi trường, có khách hàng đặt 5.000 chiếc trong vòng 2 tháng. Nhưng do không thể tổ chức được nguồn nguyên liệu để sản xuất nên đành phải từ chối đối tác. Còn đối với hoạt động sáng tác, thiết kế của làng nghề Phú Vinh, nhiều năm qua, tư duy sáng tác, sáng tạo, thiết kế trong anh em là có, nhưng sáng tác xong, làm ra được sản phẩm mẫu để sản xuất số lượng lớn lại gặp rất nhiều khó khăn”.

Với lịch sử hàng trăm năm, mỗi sản phẩm ở Phú Vinh đều mang sắc màu truyền thống Việt Nam, chứa đựng tâm huyết của các nghệ nhân, thợ giỏi. Tuy nhiên, vì thiếu nhà thiết kế mẫu hiện đại, có tầm nhìn về thị hiếu, mẫu mã, hoa văn sản phẩm..., nên khi “bước ra” thị trường thế giới, các sản phẩm mây, tre đan của Phú Vinh vẫn yếu thế hơn so với mặt hàng cùng loại của nhiều nước khác.
Đây cũng là yếu điểm chung của nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) của Hà Nội cũng như cả nước khi hội nhập thế giới. Mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ thiếu phong phú, đơn điệu, sức cạnh tranh yếu, hoạt động thiết kế mẫu sản phẩm chưa bài bản, hệ thống... là trở lực lớn trong khai thác tiềm năng, thế mạnh làng nghề.
Ông Lưu Duy Dần, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nhận định: “Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn có thể mang lại lợi nhuận nhiều hơn nữa nếu được quan tâm đến kiểu dáng và mẫu mã. Nhiều năm trước, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được thị trường nước ngoài ưa chuộng bởi có mẫu mã mới lạ. Thế nhưng hiện nay, sức hấp dẫn bị giảm đi đáng kể khi ít có sự thay đổi mẫu mã, trong khi nhu cầu của khách hàng ngày càng được nâng cao”.

Ở một góc độ khác trong quá trình phát triển các làng nghề tại Hà Nội cho thấy, các làng nghề đang có hàng ngàn sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nhiều sản phẩm ở nhóm ngành ẩm thực, đồ lưu niệm, rất phù hợp cho phát triển du lịch. Nhiều làng nghề đã được công nhận là điểm du lịch hoặc dồi dào tiềm năng khai thác du lịch. Song, hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm tại các làng nghề còn phân tán, tính liên kết từ khâu thiết kế, sản xuất - chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn yếu; các dịch vụ, hoạt động gắn với du lịch chưa chuyên nghiệp, thiếu bài bản…
Những rào cản này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của làng nghề, nhằm phục vụ tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn cũng như định hướng phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Theo các chuyên gia, nếu liên kết tốt các yếu tố này bằng cách đưa các sản phẩm làng nghề, OCOP vào chuỗi cung ứng của kinh tế du lịch sẽ làm tăng sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch, gia tăng phát triển kinh tế địa phương.
Cũng theo ông Lưu Duy Dần – nguyên Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam: Làng nghề không bám vào văn hóa và không làm du lịch thì không thể hội nhập và phát triển. Làng nghề ngoài sản phẩm thì quan trọng là quảng bá du lịch, gìn giữ văn hóa. Nơi nào phát triển du lịch làng nghề thì phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân…
…Đến chủ trương khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng
Để căn bản khắc phục những hạn chế “cố hữu” nêu trên, phù hợp với thực tế sản xuất của các làng nghề, tương hợp với yêu cầu hội nhập cũng như nguyện vọng của người dân, đội ngũ nghệ nhân, người làm nghề, cần thiết phải có chủ trương khơi dậy mạnh mẽ những tiềm năng, giá trị và phát huy những nét văn hóa tinh hoa của các làng nghề và người làm nghề thông qua sự kết nối đa ngành. Và tháng 10/2022, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 276/KH-UBND về phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố giai đoạn đến năm 2025.
Một trong những mục tiêu chính của các Trung tâm là nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, hình thành văn hóa thiết kế mẫu sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất - chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn. Đồng thời tạo môi trường liên kết giữa nghệ nhân, đội ngũ thiết kế trẻ với tinh thần khởi nghiệp, các Viện nghiên cứu, Trường Đại học chuyên ngành, tổ chức quốc tế phát huy ưu thế văn hóa địa phương, khát vọng phát triển kinh tế của cộng đồng tại các làng nghề truyền thống.
Yêu cầu đặt ra khi thành lập các Trung tâm là phải hỗ trợ được các cơ sở công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp làng nghề thiết kế mẫu mã sản phẩm có tính mới, sáng tạo, thân thiện môi trường, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, có khả năng cạnh tranh cao, hội nhập khu vực và thế giới.

Các Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn Thành phố cũng sẽ tập trung xây dựng theo mô hình tổ chức các hoạt động trưng bày, tôn vinh, trải nghiệm, giao dịch, chia sẻ kinh nghiệm về thiết kế, sáng tạo mẫu mã các sản phẩm làng nghề. Cụ thể gồm các không gian chức năng cơ bản: Không gian trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm (nơi trưng bày sản phẩm có thiết kế mới, sáng tạo, các sản phẩm TCMN, các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm có thế mạnh của địa phương); Không gian giao dịch, hội thảo nhóm (là khu vực tổ chức các hoạt động giao dịch, hội thảo nhóm chuyên đề về thiết kế sáng tạo sản phẩm); Không gian trình diễn, trải nghiệm và thông tin các sản phẩm (là khu vực thông tin về các hoạt động sản xuất, thiết kế, trình diễn nghề và mẫu mã sản phẩm làng nghề); Không gian chụp ảnh sản phẩm (nơi dàn dựng và chụp các mẫu sản phẩm đảm bảo tính thẩm mỹ cao, bắt mắt phục vụ cho việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm)…
Chủ trương xây dựng và phát triển các Trung tâm cho thấy bước đi bài bản, đáp ứng yêu cầu tất yếu của Hà Nội nhằm phát huy mạnh mẽ lợi thế vùng đất “trăm nghề”. Tuy nhiên, đây cũng là mô hình mới, cách làm mới, chưa có tiền lệ, nên quá trình xây dựng các Trung tâm, lãnh đạo Thành phố yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tính toán, lựa chọn kỹ lưỡng địa điểm, tránh lãng phí trong đầu tư. Các Trung tâm phải làm tốt từ khâu thiết kế mẫu mã, ý tưởng cho sản phẩm, đến khâu quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng và trở thành điểm "check in" du lịch cho khách tham quan... Khi đi vào vận hành, mô hình phải phát huy được hiệu quả thực chất, góp phần tạo sức bật mạnh mẽ trong tái cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân.
Theo Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội (đơn vị được giao chủ trì thực hiện kế hoạch), trong công tác hướng dẫn, phát triển mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, Sở tập trung khảo sát các địa điểm để xây dựng mô hình theo kế hoạch của thành phố, tham mưu UBND Thành phố ban hành Bộ tiêu chí và Quy trình đánh giá, hướng dẫn, phát triển mô hình; tăng cường tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các nghệ nhân, nhà thiết kế trẻ sáng tạo mẫu mã mới phù hợp với thị hiếu thời đại, đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế; tập huấn cho nhân lực tham gia công tác phát triển, quản lý, vận hành Trung tâm…
Sở Công Thương cũng lựa chọn nhà tư vấn thiết kế bộ nhận diện thương hiệu chung cho các Trung tâm; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về vai trò của hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Đồng thời tổ chức các hội thảo, triển lãm nhằm bảo tồn, khôi phục và phát triển văn hóa thiết kế sáng tạo cho các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch; thúc đẩy quảng bá, giao thương kết nối các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề…
Mặc dù là nhiệm vụ mới, với nhiều đầu mối công việc, liên quan đến nhiều lĩnh vực, khía cạnh, nhưng khi đi vào triển khai, chủ trương đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã và các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề, các hội, hiệp hội ngành nghề trên địa bàn thành phố.

Tháng 6/2024, Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm mỹ nghệ xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức được công bố Quyết định thành lập và trao Giấy chứng nhận đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết: “Đây là niềm vui, đáp ứng mong mỏi của huyện Hoài Đức nói chung và xã Sơn Đồng cũng như bà con làng nghề trên địa bàn xã nói riêng. Trung tâm sẽ kiến tạo môi trường để chúng tôi quảng bá sản phẩm làng nghề đến bạn bè, du khách, xây dựng Sơn Đồng là điểm nhấn du lịch của huyện, đồng thời là động lực quan trọng để thúc đẩy hoạt động sản xuất và phát triển thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề Sơn Đồng và huyện Hoài Đức”.
Cũng theo ông Nguyễn Trung Thuận, vì là mô hình đầu tiên và mới mẻ đối với địa phương nên ngay khi có quyết định của UBND TP. Hà Nội về phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại địa phương, huyện đã tập trung chỉ đạo hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, hướng dẫn cách thức quản lý, các tiêu chí để phát triển mô hình tại xã Sơn Đồng. Hiện, Trung tâm được giao cho Chi hội nghệ nhân thợ giỏi xã Sơn Đồng và 7 cơ sở liên kết trên địa bàn xã quản lý, vận hành...
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh: “Tính đến hết năm 2023, Thành phố đã công nhận 10 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Trong năm 2024, đã khảo sát và hướng dẫn lập hồ sơ tại 6 điểm. Năm 2025, UBND Thành phố tiếp tục hướng dẫn, công nhận thêm 5 đến 8 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn Thành phố”.
Những hiệu quả bước đầu và kỳ vọng
Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Quận Hà Đông), thường xuyên đón nhiều lượt du khách trong nước và quốc tế, học sinh, sinh viên đến khám phá, trải nghiệm nghề ươm tơ dệt lụa.
Cùng với đó, từ khi thành lập Trung tâm, những cuộc trao đổi, chia sẻ của các nghệ nhân, chuyên gia về kinh nghiệm, kỹ thuật sáng tạo, thiết kế mẫu hoa văn mới cho lụa Hà Đông cũng như mẫu sản phẩm mới được tăng cường, bước đầu thu được những kết quả tích cực.
Nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết: “Từ khi thành lập Trung tâm việc phát triển mẫu mã sản phẩm tại làng nghề đã được nâng lên một tầm mới. Từ những trao đổi, chia sẻ của các chuyên gia, nghệ nhân trong làng đã chú trọng đầu tư hơn trong đổi mới thiết kế mẫu mã, kết hợp họa tiết cổ điển với phong cách hiện đại để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng nội địa và quốc tế. Một tín hiệu đáng mừng của Vạn Phúc về việc nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã sản phẩm là trong Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2024 của Thành phố Hà Nội, chúng tôi đã vinh dự có một giải nhất và một giải nhì”.

Nghệ nhân Trần Thị Ngọc Lan bày tỏ: “Trăn trở nhiều năm của làng nghề chúng tôi là làm sao đưa được “hơi thở” hiện đại của cuộc sống vào những vuông lụa truyền thống. Và chúng tôi hy vọng Trung tâm thiết kế sáng tạo sẽ góp phần giải được bài toán về mẫu mã thiết kế để lụa Vạn Phúc tiếp tục tỏa sáng tinh hoa, giá trị của mình”.

Tháng 8/2024, Sở Công thương Hà Nội tổ chức trao Giấy chứng nhận thành lập mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Có mặt tại sự kiện, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung rất vui mừng, xúc động. Ông chia sẻ: “Việc xúc tiến thành lập các Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch là rất phù hợp và cần thiết với sự phát triển làng nghề hiện nay. Không chỉ riêng tôi mà còn rất nhiều nghệ nhân, người làm nghề mong muốn có trung tâm này”.
Kỳ vọng vào hoạt động của Trung tâm, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung cho biết thêm: “Với việc thành lập Trung tâm, đội ngũ nghệ nhân, người làm nghề chúng tôi sẽ được tập hợp, tập trung sáng tác, thiết kế, sáng tạo theo hướng chuyên nghiệp hóa. Từ đó, sản phẩm sẽ được nâng tầm, nâng cao giá trị, người lao động sẽ có thêm nguồn thu nhập và dự trữ được nhiều mẫu thiết kế. Ngoài ra, các Trung tâm này sẽ hỗ trợ được các chủ thể OCOP, đơn vị sản xuất quảng cáo, bán hàng, tiếp thị sản phẩm... Đây là điểm tập trung những sản phẩm ưu tú của địa phương, giúp người dân, du khách có sự lựa chọn tiêu dùng tin cậy”.
Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2025, mỗi huyện, thị xã có ít nhất một Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Sẽ còn rất nhiều phần việc phải làm để đưa vào vận hành, khai thác, phát huy tính hiệu quả của các Trung tâm. Và kỳ vọng với sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở làng nghề, các chuyên gia, nghệ nhân, mô hình sẽ thực sự trở thành động lực, “tiếp lửa” để tinh hoa, giá trị truyền thống của làng nghề không ngừng tỏa sáng trong dòng chảy đời sống hiện đại.
Hoàng Yến
Tin khác
Vingroup khởi công khu đô thị lấn biển Cần Giờ 2.870 ha
Khởi động cuộc thi thiết kế thương hiệu cho khu phức hợp cao cấp bên sông Hương
Giá vàng và ngoại tệ ngày 19/4: Vàng thế giới giảm nhẹ, trong nước tạm ổn định
Dự báo thời tiết ngày và đêm 19/4: Nắng nóng trên cả nước
Thanh Hóa: Bắt giữ đối tượng bắn chiến sỹ Công an tỉnh Quảng Ninh
Làm gì khi khách hàng không trung thành với thương hiệu?
Thu ngân sách nhà nước vượt 800 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 40% dự toán
(THPL) - Tính đến hết ngày 15/4/2025, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 801,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 40,77% dự toán năm. Kết quả này...19/04/2025 09:39:18Hải Phòng và Hải Dương chuẩn bị các điều kiện hợp nhất 2 địa phương
(THPL) - Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương vừa họp bàn phương án hợp nhất 2 địa phương.19/04/2025 09:42:36Bộ Công Thương ban hành Công điện hỏa tốc về tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường sữa, thuốc chữa bệnh và thực phẩm BVSK
(THPL) - Trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm liên quan trực tiếp đến...19/04/2025 09:51:08Cỏ Cây Hoa Lá lên tiếng về hiểu lầm “giả hữu cơ”: Minh bạch thông tin, điều chỉnh bao bì để bảo vệ người tiêu dùng
(THPL) - Trước một số thông tin chưa chính xác lan truyền trên mạng xã hội liên quan đến việc ghi cụm từ “hữu cơ” trên bao bì sản phẩm,...19/04/2025 10:06:36
ĐỌC NHIỀU NHẤT
Quảng bá thương hiệu Việt
Tôn vinh thương hiệu toàn cầu
- Bộ tam sự https://dungquangha.com/
- lọ hoa bằng đồng
- quảng cáo pano ngoài trời
- Máy may 1 kim điện tử A4B-A