02:07 ngày 18/07/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bãi bỏ quy định thương nhân nhập khẩu ô tô phải có cơ sở bảo hành

14:42 14/03/2017

(THPL) - Các cá nhân, doanh nghiệp nhập khẩu ôtô từ 9 chỗ trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu không cần giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Nhằm giảm bớt quy định trong thủ tục nhập khẩu ô tô loại dưới 9 chỗ ngồi, Bộ Công Thương đã quyết định bãi bỏ Khoản 2 Điều 1, Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Với việc bãi bỏ quy định trên, các doanh nghiệp nhập khẩu xe ôtô sẽ không bắt buộc phải xây dựng các gara bảo hành, bảo dưỡng xe đi kèm.

Cụ thể, khoản 2 Điều 1 Thông tư số 20/2011/TT-BCT nêu rõ, thương nhân nhập khẩu ô tô từ 09 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, phải nộp bổ sung Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.

Như vậy, với việc bãi bỏ quy định trên, các doanh nghiệp nhập khẩu xe ôtô sẽ không bắt buộc phải xây dựng các gara bảo hành, bảo dưỡng xe đi kèm.

Trước đó, Thông tư 20 đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa. Các chuyên gia cho rằng việc giữ nguyên nội dung trong Thông tư 20 đang gây méo mó thị trường, độc quyền trong kinh doanh ô tô và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Nhóm doanh nghiệp ô tô vừa và nhỏ đã gửi đơn kêu cứu lên Chính phủ nêu rõ “Thông tư 20 bắt buộc các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô của thương nhân nhập khẩu phải đầu tư trang thiết bị chuyên dùng hàng tỷ đồng.

Thực tế, những thiết bị này chỉ được dùng trong những trạm kiểm tra xe trước khi xuất xưởng của cơ sở sản xuất lắp ráp ôtô và Trạm đăng kiểm ôtô của Cục Đăng kiểm. Điều kiện này gây khó khăn và tổn thất rất lớn cho doanh nghiệp, không phát huy được tính linh hoạt của thị trường”.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhận định, trong hai yếu tố cấu thành thị trường ôtô trong nước – cung và cầu, quy định của Thông tư 20 chỉ tác động đến phần cung mà không quan tâm đến cầu về ôtô của người tiêu dùng Việt Nam.

Theo quy luật thị trường, khi cung giảm mà cầu giữ nguyên thì giá sẽ tăng và người tiêu dùng phải trả tiền cho sự tăng giá này. Nếu khoảng chênh lệch giá này được chuyển vào ngân sách Nhà nước (dưới dạng thuế nhập khẩu, phí sử dụng xe…) thì vẫn đạt được mục tiêu kiểm soát lượng xe nhập khẩu mà lại có tác dụng tăng thu, có thêm tiền đầu tư cho hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, quy định của Thông tư 20 lại khiến cho các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu ôtô có ủy quyền chính hãng được hưởng khoản chênh lệch tăng giá này.

“Do đó, nếu khẳng định Thông tư 20 có tác dụng trong việc kiểm soát nguồn cung ôtô trong nước thì hệ quả của nó là các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp nhập khẩu ôtô có ủy quyền sẽ được hưởng lợi nhuận lớn hơn. Còn nếu cho rằng các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu ôtô có ủy quyền không được hưởng lợi nhuận lớn hơn thì đồng nghĩa với việc Thông tư 20 không có tác dụng trong việc kiểm soát nguồn cung ôtô trong nước”, văn bản của VCCI nêu rõ.

Bích Thảo

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu