00:36 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bắc Giang dự kiến xuất khẩu 1.500 tấn vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ

Tú Chi (t/h) | 21:16 26/04/2023

(THPL) – Những năm qua, việc ùn ứ vải thiều tại các cửa khẩu khiến chất lượng trái vải không đảm bảo. Để giải quyết vấn đề này, ngày 26/4, Sở Công Thương Bắc Giang đã phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh vào thị trường Hoa Kỳ.

Tại hội nghị, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, Bắc Giang có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển nông nghiệp, với tập đoàn cây ăn quả phong phú, đa dạng và nhiều sản vật nông nghiệp đặc trưng, nổi tiếng. Với trái vải thiều, Bắc Giang nhất quán và xuyên suốt quan điểm lấy chất lượng vượt trội, đặc trưng riêng có; bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc, tạo chỗ đứng bền vững ở thị trường trong và ngoài nước.

Năm nay, thời tiết thuận lợi, các trà vải trên địa bàn tỉnh sinh trưởng phát triển tốt, dự kiến sản lượng đạt hơn 180.000 tấn; trong đó sản lượng vải sớm khoảng 60.000 tấn, chính vụ 120.000 tấn. Vì vậy, Bắc Giang đã, đang nỗ lực xúc tiến, tìm đường tiêu thụ cho loại cây trồng chủ lực của địa phương.

Với thị trường Hoa Kỳ, tỉnh Bắc Giang luôn xác định là thị trường tiềm năng. Hiện tỉnh đã có 17 mã số vùng trồng được Hoa Kỳ cấp mã số, với diện tích 205ha. Năm nay địa phương dự kiến xuất khẩu quả vải sang thị trường này khoảng 1.500 tấn.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xuất khẩu vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, khi xuất khẩu vải thiều và các sản phẩm nông sản của vào thị trường Hoa Kỳ vẫn còn gặp một số khó khăn như: Chi phí vận chuyển còn cao; công nghệ bảo quản... dẫn tới giá thành quả vải khá cao, vì thế khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác tại thị trường sở tại.

Liên quan thông tin trên, ông Đỗ Ngọc Hưng - Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ chia sẻ: Tiềm năng xuất khẩu vải thiều Bắc Giang vào Hoa Kỳ rất lớn, tuy nhiên do khoảng cách địa lý cùng với công nghệ bảo quản nên việc đưa sản phẩm này đến Hoa Kỳ hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Còn theo đại diện doanh nghiệp, cũng như chuyên gia cho hay, Bắc Giang cần tiếp tục phối hợp để có chính sách hưởng ưu đãi giá bay thẳng đối với vải thiều của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Điều này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về giá cước.

Về công nghệ, cần lựa chọn công nghệ bảo quản phù hợp, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn nhập khẩu của Hoa Kỳ.  Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng đề nghị Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) quan tâm và có định hướng giúp tỉnh trong các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và mặt hàng có thế mạnh của tỉnh ở thị trường Hoa Kỳ.

Để tiêu thụ vải thiều được thuận lợi, nhất là phục vụ xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các vùng trồng vải duy trì 110 mã số vùng trồng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, với diện tích 16.609 ha, ước sản lượng khoảng 110 nghìn tấn; 37 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với diện tích 297,42 ha, ước sản lượng 2.500 tấn; duy trì vùng vải sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu vào Hoa Kỳ và Thái Lan với 31 mã số vùng trồng, với diện tích là 363,73 ha, ước sản lượng đạt 4.200 tấn.

Đồng thời phối hợp với các địa phương tiến hành ra roát 300 cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh duy trì 215 cơ sở đủ điều kiện đóng gói quả vải tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó có 01 cơ sở đóng gói đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản.

Năm nay, vải thiều dự kiến tiêu thụ ở thị trường nội địa 84.000 tấn (chiếm khoảng 46,7% tổng sản lượng). Kênh tiêu thụ vải thiều thông qua các thương nhân phân phối, chợ đầu mối các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng...), các tỉnh, thành phố miền Trung và miền Nam (Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn - TP Hồ Chí Minh, Dầu Dây - Đồng Nai, Hòa Cường - Đà Nẵng...), các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị (GO, Mega Market, Saigon Co.op, Hapro, Aeon, Lotte, Vinmart…), các chợ truyền thống thông qua các thương nhân, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ.... và trên các Sàn Thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế (Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart, Alibaba, Amazon…); bán trực tuyến trên nền tảng online, mạng xã hội facebook, Zalo, Youtube…

Thị trường xuất khẩu dự kiến tiêu thụ 96.000 tấn (chiếm khoảng 53,3% tổng sản lượng), tập trung chủ yếu thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia và một số nước Đông Nam Á, UAE và một số nước khu vực Trung Đông… trong đó thị trường Nhật Bản, EU (Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Ý…).

Tú Chi (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu