23:03 ngày 29/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Bắc Giang: Công ty CP xây dựng thương mại 559 có dấu hiệu “xâm hại” đất rừng trái phép

17:31 28/12/2023

(THPL)- Dù không được cấp phép, nhưng hàng nghìn mét vuông đất rừng tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đang bị Công ty CP xây dựng thương mại 559 “xâm hại” trong quá trình thi công Dự án “Đường nối Quốc lộ 37 – Quốc lộ 17 đi Võ Nhai (Thái Nguyên)”.

Dự án “Đường nối Quốc lộ 37 – Quốc lộ 17 đi Võ Nhai (Thái Nguyên)” khởi công cuối tháng 12/2021, đi qua địa bàn các huyện: Việt Yên, Tân Yên, Yên Thế (Bắc Giang). Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.452 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm của tỉnh, có vai trò quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội liên vùng trong tỉnh và kết nối với tỉnh Thái Nguyên.

Thời gian gần đây, tòa soạn Thương hiệu và pháp luật nhận được thông tin phản ánh của người dân về việc Công ty CP Thương mại 559 là một trong những nhà thầu thi công Dự án “Đường nối Quốc lộ 37 – Quốc lộ 17 đi Võ Nhai (Thái Nguyên)” trong quá trình thi công đơn vị đã tự ý đổ thải vào diện tích rừng tự nhiên và rừng sản xuất tại Km37+500; Km38+500 và Km 39+300. Tổng diện tích các khu vực bị đổ thải trái phép ước tính khoảng hơn 70.000m2.

Tại vị trí đổ thải ở Km38+500 có dấu hiệu thuộc đất rừng tự nhiên

Ông H, người dân tại bản Chay, xã Canh Nậu cho biết: “Tại vị trí đổ thải ở Km38+500 là thuộc đất rừng tự nhiên. Trước đây không có đường đi, um tùm lắm, bà con nơi đây rất quý rừng đầu nguồn phòng hộ chở che cho người dân ở đây, hầu như không giao cho ai. Giờ lấp thế này thấy bảo là múc đi nhưng đến giờ vẫn chưa thấy đơn vị thi công múc đất đi gì cả”.

Theo thông tin phóng viên ghi nhận, ngày 1/3/2023, Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế đã có biên bản kiểm tra về việc đổ đất thải của Công ty CP xây dựng thương mại 559. Theo đó, Hạt kiểm lâm huyện Yên Thế yêu cầu Công ty CP xây dựng thương mại 559 tạm dừng toàn bộ việc đổ thải. Đồng thời xác nhận diện tích và khối lượng mà Công ty 559 đã đổ vào diện tích đất rừng do Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Trường Lộc quản lý.

Biên bản kiểm tra của Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế về việc đổ đất thải của Công ty CP xây dựng thương mại 559

Đến ngày 31/8/2023, tại Ban điều hành Dự án của Công ty CP xây dựng Thương mại 559 đã có biên bản làm việc về nội dung này, cụ thể: Sau khi các bên đi kiểm tra hiện trường phát hiện Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Trường Lộc đã tổ chức cho trồng cây lên các vị trí đất bãi đổ thải. Đồng thời, Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Trường Lộc cho rằng: “Do bên Công ty CP xây dựng thương mại 559 đổ đất sai quy định và không đúng với hợp đồng đã thỏa thuận vào vị trí rừng tự nhiên thuộc đất rừng do bên Công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Trường Lộc quản lý. Với tổng diện tích 3 bãi khoảng 70.000m3.

Tuy nhiên, làm việc với phóng viên Thương hiệu và Pháp luật, ông Nguyễn Bá Kiên, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Yên Thế lại cho rằng: “Toàn bộ diện tích mà Công ty CP xây dựng thương mại 559 đổ thải thuộc vào đất rừng sản xuất, hoàn toàn không có đất rừng tự nhiên”.

Điều này tạo nên sự bất nhất giữa cơ quan quản lý rừng; doanh nghiệp được giao quản lý đất rừng, và người dân địa phương.

Theo khoản 4 Điều 9 Luật Lâm nghiệp 2017, hành vi hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng là hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó, tại Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP có đề cập đến hành vi phá rừng trái pháp luật. Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi mà người có hành vi vi hủy hoại rừng có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Hiện hành, tội hủy hoại rừng được quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức hình phạt lên đến 15 năm tù. Cụ thể, người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trước đó, ngày 3/3/2023, tại QĐ số 966, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế đã xử phạt Công ty CP xây dựng thương mại 559 với số tiền 120.000.000 đồng, do có hành vi vi phạm quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Thửa đất của gia đình ông Hưởng (thôn La Thành, xã Tiến Thắng) được doanh nghiệp xin đất khi chưa được cấp phép.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của phóng viên, thời gian gần đây hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép của Công ty CP xây dựng thương mại 559 vẫn tiếp tục tái diễn. Đơn cử: tại thửa đất nhà ông Hưởng, ở thôn La Thành, xã Tiến Thắng đã bị doanh nghiệp này múc đất mang đi bán. Ông Hưởng cho biết: “Doanh nghiệp thiếu đất nên họ “xin” đất nhà tôi. Chứ không nằm trong dự án và cũng không được cấp phép gì?”.

Theo dữ liệu Thương hiệu và pháp luật có được, mới đây Sở TNMT tỉnh Bắc Giang đã có văn bản gửi Công ty CP xây dựng thương mại 559 về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong hoạt động khai thác đất san lấp trong diện tích Dự án “Đường nối Quốc lộ 37 – Quốc lộ 17 đi Võ Nhai (Thái Nguyên)”.

Theo đó, Công ty chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với tổng khối lượng 2.769.007,27m3 đất đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác tại QĐ số 293, ngày 27/3/2023 với tổng số tiền 2.715.298.000 đồng. Đồng thời, công ty chưa nộp đầy đủ phí bảo vệ môi trường đối với khối lượng 856.020,41m3 đất nguyên khai, tương ứng với 1.087.145,9m3 đất nở rời đã khai thác, sử dụng tại diện tích dự án và khối lượng khoáng sản đã khai thác nhưng chưa vận chuyển đi.

Từ đó, Sở TNMT tỉnh Bắc Giang yêu cầu Công ty CP xây dựng thương mại 559 thực hiện nộp tiền khai thác khoáng sản một lần đối với toàn bộ khối lượng đất đã được UBND tỉnh cấp phép; nộp phí bảo vệ môi trường…trước ngày 30/01/2024.

Để rộng đường dư luận, kính đề nghị các cấp chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang khẩn trương vào cuộc kiểm tra, làm rõ và xử lý vi phạm (nếu có) nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tạo niềm tin cho nhân dân.

Hoài Thanh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu